Vụ án Vạn Thịnh Phát: Phương thức cắt đứt dòng tiền sau vay khống

Cập nhật: 11/03/2024

VOV.VN - Chiều nay (11/3), đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại toà bắt đầu tham gia xét hỏi các bị cáo trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và những pháp nhân liên quan. 

Cựu lãnh đạo SCB khóc vì đặt niềm tin sai

Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) cho biết, bản thân công tác tại Ngân hàng SCB từ năm 2010 kinh qua nhiều vị trí từ nhân viên đến Phó tổng giám đốc. Quá trình làm việc, bị cáo Dung được những người tiền nhiệm hướng dẫn lập hồ sơ vay, định giá và xử lý các nguồn tiền mỗi khi bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có nhu cầu.

Khi cần tiền, bà Trương Mỹ Lan gặp cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Trần Thị Mỹ Dung nói về số tiền, thời gian dùng tiền và tài sản đảm bảo để vay cùng các khoản chi tiêu sau khi giải ngân. Trường hợp Ngân hàng SCB không xử lý được, bà Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VTP – cháu gái bà Lan) tìm cách như thành lập các công ty đứng tên các khoản vay.

Khi đại diện Viện Kiểm sát nhắc lại lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, Ngân hàng SCB tự tạo lập các khoản vay và mượn tài sản của bị cáo này làm tài sản đảm bảo, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Trần Thị Mỹ Dung bật khóc.

Bị cáo Dung nói rất đau lòng khi gặp lại những người anh em, đồng nghiệp sau 17 tháng bị tạm giam. Theo bị cáo, bản thân và nhiều người khác khi vào làm việc tại Ngân hàng SCB rất thần tượng bà Trương Mỹ Lan và tuyệt đối trung thành, không nghi ngờ, giao việc gì sẽ làm việc đó. “Tuy nhiên trong sáng nay, khi nghe chị Lan khai như thế, bị cáo cũng không trách mà chỉ trách bản thân đã đặt niềm tin sai” – bị cáo Dung nghẹn khóc nói.

Người đứng tên vay SCB ký trên giấy trắng

Bị cáo Nguyễn Phương Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) được bà Trương Mỹ Lan giao nhiệm vụ tìm người đứng tên đại diện pháp luật các Công ty “ma”, đứng tên cổ phần, đứng tên vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền để tạo dựng hồ sơ vay vốn khống và rút tiền giải ngân tại Ngân hàng SCB.

Tại toà, bị cáo Anh khai, những cá nhân đứng tên vay vốn hoặc đại diện cho các pháp nhân “ma” trong hồ sơ vay vốn SCB đều không biết họ đang đứng tên. Nói về cách thức che giấu, không để các cá nhân trên biết, Nguyễn Phương Anh khai khi ký những tài liệu, chứng từ, họ ký trên tờ giấy trắng vào vị trí được đánh dấu.

Sau khi họ ký xong, các bị cáo sử dụng những tờ giấy đó đưa vào máy in ra các dữ liệu. Các cá nhân này được trả công từ 8 - 12 triệu đồng, bộ phận kế toán quản lý công ty liên quan sẽ chi trả khoản tiền này.

Về dòng tiền sau khi được SCB giải ngân, bị cáo Hồ Bửu Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn VTP và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo nhóm nhân sự Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết được chi rất nhiều thứ.

Thực hiện chỉ đạo “miệng” của bị cáo Trương Mỹ Lan, dòng tiền từ ngân hàng chuyển vào tài khoản công ty thụ hưởng theo phương án vay khống được “giải quỹ” bằng cách thức hứa mua cổ phần của các pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Các bị cáo thừa nhận với phương thức “giải quỹ” trên, không chỉ cắt đứt dòng tiền, mà còn tránh được sự phát hiện của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác.

Từ khóa: vạn thịnh phát, vụ án, vay khống, trương mỹ lan, trương huệ vân, tham nhũng, vạn thịnh phát

Thể loại: Pháp luật

Tác giả: tỷ huỳnh/vov-tphcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập