Vụ án sân bay Điện Biên: Các bị cáo nhận tổng hình phạt hơn 40 năm tù
Cập nhật: 10/10/2023
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Vụ án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Điện Biên có nhiều bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cho nhà nước hơn 13 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án sân bay Điện Biên, sau gần 4 ngày xét xử, sáng 23/9, TAND Điện Biên đã chính thức tuyên án vụ án "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong quá trình thực hiện Dự án Sân bay Điện Biên. Tổng hình phạt cho các bị cáo là hơn 40 năm tù.
Theo nhận định của HĐXX, vụ án này có nhiều bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi này là tiền đề cho các hành vi vi phạm khác dẫn đến các hành vi phạm tội tiếp theo, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cho nhà nước hơn 13 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, khai báo trước tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo; đồng thời khắc phục hậu quả thiệt hại bằng tiền, trả lại các số tiền do sai phạm mà có được. Điều này thể hiện các bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội và mong muốn khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, vẫn cần một bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo do đã gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, suy giảm niềm tin trong nhân dân.
Đối với ý kiến của một số Luật sư về việc đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cho rằng bản kết quả giám định số 02 của Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất - Tổng Cục quản lý đất đai, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường không đúng cả về nội dung, hình thức và cần làm rõ trách nhiệm dân sự của từng công nhân trong vụ án, cũng như làm rõ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, HĐXX cho rằng không có căn cứ.
Căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, cân nhắc sự thành khẩn của các bị cáo và nỗ lực khắc phục hậu quả đã gây ra, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Khương (sinh năm 1965) - cựu nhân viên hợp đồng của Trung tâm quản lý đất đai thành phố Điện Biên Phủ 8 năm 6 tháng tù, thời hạn tù từ tháng 12/2021.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1977), cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ 7 năm tù giam; Bị cáo Trần Thị Vân (sinh năm 1978), cựu Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ 8 năm tù, thời hạn tù tính từ tháng 4/2022; Bị cáo Phạm Trung Kiên (sinh năm 1984), cựu Phó trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch 3 năm 6 tháng tù, thời hạn tù từ tháng 9/2022.
Bị cáo Trần Xuân Mạnh (sinh năm 1984), công chức Phòng Tài chính kế hoạch TP Điện Biên Phủ 3 năm tù, khấu trừ thời gian tạm giữ 6 tháng còn 2 năm 6 tháng; Bị cáo Nguyễn Đình Hiệp (sinh năm 1976), cựu Phó trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường TP Điện Biên Phủ 3 năm 6 tháng tù, thời hạn tù từ tháng 10/222;
Bị cáo Bùi Thị Ánh (sinh năm 1967), nhân viên Phòng Tài nguyên Môi trường TP Điện Biên Phủ 3 năm tù, khấu trừ 6 tháng tạm giam; Bị cáo Bùi Mạnh Cường (sinh năm 1990), nhân viên Phòng Tài nguyên Môi trường TP Điện Biên Phủ 3 năm 6 tháng tù;
Bị cáo Trần Thị Hoà (sinh năm 1985), viên chức Trung tâm quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ 3 năm 6 tháng tù, cho phép cải tạo không giam giữ, giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Từ khóa: sân bay điện biên, tòa án nhân dân điện biên, hội đồng xét xử, tổng hình phạt, hậu quả nghiêm trọng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: vũ lợi/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN