VOV góp tiếng nói cùng các tỉnh Tây Nguyên về cao tốc liên vùng
Cập nhật: 10/07/2024
Tai nạn liên hoàn, Quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài
Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. HCM và ĐBSCL “Tinh hoa miền sông nước”
VOV.VN - Những bài phóng sự của VOV đưa về các tuyến cao tốc trên địa bàn Tây Nguyên rất xác thực để Trung ương đầu tư, tháo gỡ điểm nghẽn cho Tây Nguyên về hạ tầng
Trung tuần tháng 6/2024, Đài TNVN đã đăng, phát loạt 3 bài về cao tốc liên vùng ở Tây Nguyên do nhóm phóng viên Cơ quan thường trú Tây Nguyên thực hiện. Loạt bài đã chỉ ra điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng hiện nay là hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. Đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và nhân dân các dân tộc trong vùng về việc xem xét, nghiên cứu đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là sớm đầu tư các tuyến cao tốc. Phóng viên Đài TNVN tại Tây Nguyên ghi lại ý kiến của một số lãnh đạo các tỉnh và người dân trong vùng nói về loạt bài “Cao tốc liên vùng và kỳ vọng tăng tốc cho Tây Nguyên”.
Tỉnh Kon Tum đang được đánh giá địa phương khó khăn nhất Tây Nguyên về hạ tầng giao thông. Tỉnh đang rất khát khao có cao tốc để đưa vào khai thác những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là khu du lịch quốc gia Măng Đen. Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND Kon Tum cho biết, khi loạt bài viết về cao tốc tại Tây Nguyên được đăng, phát trên các phương tiện truyền thông của VOV, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đều lắng nghe, theo dõi. Loạt bài đã nêu vấn đề sát với thực tiễn, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương. Riêng với tỉnh Kon Tum, niềm vui đã đến sớm, khi trong quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030 được công bố cuối tháng 6 vừa qua, tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, đường lớn sắp mở cho Kon Tum tăng tốc phát triển: “Xem mấy bài phóng sự của VOV đưa về các tuyến cao tốc trên địa bàn Tây Nguyên tôi thấy rất xác thực với địa phương. Ở nội dung này, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng có nhấn mạnh lại, cũng ghi nhận. Hiện nay chúng tôi rất cần sớm hình thành các tuyến cao tốc. Riêng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum thì 2 tỉnh đồng kiến nghị Chính phủ để tìm nhà đầu tư theo hình thức PPP".
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh Gia Lai nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung là hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. Những năm qua, tỉnh đã rất nỗ lực trong việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là làm sao hình thành các nhà máy chế biến chuyên sâu cho các sản phẩm nông sản, nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, điểm nghẽn về giao thông đã “cản bước” các nhà đầu tư đến với Gia Lai.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, việc đầu tư các tuyến cao tốc Pleiku – Qui Nhơn và cao tốc Bắc - Nam phía Tây có ý nghĩa rất lớn với việc hình thành, phát triển các nhà máy chế biến quy mô, các khu, cụm công nghiệp và các khu nông nghiệp công nghệ cao… Từ đó, sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề về lao động, việc làm cho người dân địa phương. Thay vì phải lặn lội đến các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp tìm kiếm việc làm, thu nhập bấp bênh, hàng chục nghìn người dân địa phương có cơ hội việc làm ổn định.
“Khi đọc loạt bài của VOV thì chúng tôi rất cảm động. Chúng tôi chia sẻ trong trong các group (nhóm) của Ban Chấp hành, nhóm của các sở, ngành, và nhóm của các địa phương. Chúng tôi thấy rằng cùng tiếng nói chung qua góc độ truyền thông. Chính quyền chúng tôi thì đã có kiến nghị rồi nhưng góc độ truyền thông thì góp phần củng cố luận cứ, có căn cứ xác đáng, có cả lý cả tình khi mà các diễn đàn của Trung ương thì góp phần thuyết phục hơn để Trung ương đầu tư, tháo gỡ điểm nghẽn cho Tây Nguyên về hạ tầng”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch chia sẻ.
Anh Lý Văn Thanh, ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, việc đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay vẫn còn hạn chế, những nông sản, trái cây làm ra khó tiêu thụ và ảnh hưởng đến giá cả. Anh Thanh cho rằng nhà nước cần quan tâm hơn đến đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến cao tốc để Tây Nguyên phát triển.
“Cả nước đang rầm rộ làm cao tốc nhưng các địa phương ở Tây Nguyên vẫn đang phải mong chờ. Người dân Tây Nguyên có gì, có đất đai màu mỡ, có cà phê, sầu riêng, những cây trồng giá trị cao nhưng người dân Tây Nguyên mình thiếu gì, thiếu cao tốc, thiếu những con đường đi lại thuận lợi để giao thương. Đọc loạt bài của VOV viết về cao tốc ở Tây Nguyên tôi thấy nói rất đúng, rất trúng. Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn đến vùng khó khăn như Tây Nguyên thì mới phát triển nhanh và bền vững được", anh Lý Văn Thanh chia sẻ.
Từ khóa: Tây Nguyên, Tây Nguyên, hạ tầng giao thông, cao tốc kết nối Tây Nguyên
Thể loại: Xã hội
Tác giả: công bắc/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN