Vợt sợi vải bông – Nghi thức quan trọng của người Ba Na
Cập nhật: 21/03/2022
[VOV2] - Thổ cẩm luôn được coi là lễ vật trong lễ cưới, là quà kỷ niệm trong những dịp trọng đại của người Ba Na. Do đó, dệt thổ cẩm được xếp vào một trong các di sản văn hóa phi vật thể của người Ba Na.
Đối với đồng bào Ba Na nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, thổ cẩm là một gia tài quý báu và mang hồn cốt văn hóa riêng có. Cùng là thổ cẩm nhưng ở mỗi vùng miền sẽ có đặc trưng riêng về kiểu dáng, màu sắc. Và mỗi dân tộc có những hoa văn trang trí khác nhau, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và cả nền văn hóa.
Thổ cẩm của dân tộc Ba Na đã có từ lâu đời. Sản phẩm thổ cẩm dệt bằng tay của dân tộc Ba Na nổi tiếng bởi những hoa văn tinh tế không chỉ đẹp bởi cách trang trí, mà mỗi sản phẩm dệt truyền thống của người Ba Na còn ẩn chứa sắc thái văn hóa, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc, thể hiện tâm hồn phong phú của người dân sống trên mảnh đất Tây Nguyên.
Để những thước vải thổ cẩm bền đẹp, đồng bào dân tộc Ba Na có nghi thức cúng vợt sợi bông vô cùng độc đáo. Việc thực hiện nghi thức này nhằm xin phép tổ tiên, Yàng, thần đất cho gia đình người Ba Na được tạo sợi bông, nhuộm màu chỉ... Người Ba Na tin tưởng rằng, có sự chứng kiến của tổ tiên và thần linh thì việc làm ấy sẽ được thuận lợi, sợi bông sẽ bền chắc, sợi chỉ không phai màu. Anh Đinh Ply ở xã Tơ Tung, huyện K'bang, tỉnh Gia La cho biết về ý nghĩa của nghi thức này: “Lễ này là đặc trưng của người Ba Na nói riêng của người Tây Nguyên nói chung, thực hiện để cầu mong cho những chị em phụ nữ Ba Na tạo nhuộm màu rực rỡ, đẹp. Về sắc màu của người Ba Na thường sử dụng 4 màu: màu đen, màu đỏ, màu trắng, màu vàng tượng trưng màu của thiên nhiên. Trắng đen giống như là buổi trưa và buổi tối, bắt đầu buổi sáng nó có màu đỏ, buổi trưa thành màu trắng, rồi buổi chiều có thể là màu vàng”.
Các cô gái Ba Na khi đi lấy chồng đều phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp ra mắt mọi người. Qua bộ y phục này ẩn chứa sự khéo léo của người dệt, vì thế các cô gái Ba Na phải tốn rất nhiều công sức và tâm huyết. Theo nghệ nhân Đinh Thị Tớp hầu như mọi phụ nữ Ba Na đều biết dệt thổ cẩm từ rất sớm: “Từ 12, 13 tuổi thì tập dệt rồi. Thường là mẹ dạy cho con gái. Thường học làm bông, làm chỉ trước, xong rồi học tạo khung dệt và học dệt, thế thôi”.
Sau khi thực hiện nghi thức cúng Yàng xin vợt sợi bông, người Ba Na mới thực hiện quy trình tuần tự trong nghi thức dệt thổ cẩm. Bắt đầu từ từ kéo sợi, nhuộm màu, dệt vải với các bước sau: tách bông ra khỏi hạt, ép bông, đánh bông, làm cho bông mịn và trắng. Tiếp đó là quay sợi bông và kéo sợi chỉ, kéo đến đâu thì cuộn đến đó thành ống chỉ, mỗi ống chỉ dài khoảng 15cm, to bằng cổ tay. Đây là bước để chia cho các tay chỉ đều nhau, đồng thời cũng làm cho sợi chỉ không bị rối trước khi kéo thành từng ống chỉ nhỏ.
Công đoạn quan trọng không thể thiếu trong quy trình dệt thổ cẩm của người Ba Na là tạo màu. Đồng bào Ba Na thường dùng các loại rễ, vỏ, lá của các loại cây rừng để nhuộm màu như: lá Trum dùng để nhuộm màu đen, nhuộm màu đen phức tạp và nhiều công đoạn nhất. Nhuộm màu đỏ thì dùng rễ cây Nhau hoặc vỏ cây Tơ nung. Màu vàng dùng cây Sơ ring, Sơ rông hoặc rễ cây Kơ tơ rơ. Đây đều là các loại cây rừng, chỉ những người có kinh nghiệm mới nhận biết được, lấy về kết hợp tạo ra các màu sắc khác nhau của thổ cẩm. Đặc biệt, người Ba Na còn tạo màu từ nung vỏ ốc. Sau khi đã nhuộm màu còn cần thêm một công đoạn là nấu gao (một dạng hồ) để làm cứng sợi chỉ giúp sợi bền, không bị đứt. Tuy nhiên, công đoạn nhuộm màu là hành trình công phu, vất vả và nhiều khó khăn nhất của nghề dệt.
Họa tiết hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na trang trí đối xứng, phản ánh quan niệm triết lý về vũ trụ, triết lý âm dương, trời đất và thiên nhiên. Người Ba Na thường sử dụng các màu như đen, đỏ, vàng, trắng để dệt thổ cẩm, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu, màu vàng, màu trắng tượng trưng cho ánh sáng.
Một điều thú vị nữa là khung dệt của người Ba Na khá đơn sơ, được làm từ những cây tre. Tuy đơn giản là vậy, nhưng các cô gái có thể dệt nên những thảm vải với các hoa văn rõ nét và những sợi dọc sợi ngang đan vào nhau sắc sảo.
Nghi thức cúng vợt sợi bông của đồng bào dân tộc Ba Na, tỉnh Gia Lai chứa đựng nhiều điều thần bí khiến cho những sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na thêm giá trị văn hóa. Những bộ trang phục thổ cẩm của người Ba Na có nhiều loại và phụ kiện trang trí, có những bộ dành cho ngày thường, và những bộ được mặc vào dịp lễ hội như: lễ hội cầu an, cầu mùa, lễ hội cúng bến nước của đồng bào Ba Na…Những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ nhất sẽ được các chàng trai cô gái khoác lên mình, tay trong tay nhảy múa bên ánh lửa bập bùng, hòa cùng âm vang cồng chiêng rộn rã giữa đại ngàn, với niềm tự hào và đầy kiêu hãnh.
Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây:
Từ khóa: nghi thức vợt sợi vải bông, thổ cẩm của người Ba Na, tạo màu từ vỏ ốc, trang phục của người Ba Na
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2