Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến: Cần cẩn trọng
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
VOV.VN - Dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành “cứ điểm” hàng hóa để DN Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và EU.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó lượt mua vốn góp cổ phần từ nhà đầu tư nước ngoài với giá trị tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Cụ thể, từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2019, cả nước thu hút được 1.723 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, tăng 26,1% về số dự án và giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
VốnFDI thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018 |
Số lượng các dự án nhỏ tăng mạnh, trong khi giá trị đăng ký giảm. Bên cạnh đó, có 628 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 2,9 tỷ USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 10,3 tỷ USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, trong 6 tháng còn có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,12 tỷ USD, tăng tới 98,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 6 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 5,4 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 803,3 triệu USD, chiếm 10,8%; các ngành còn lại đạt hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 15,8%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng đạt hơn 8 tỷ USD, chiếm 77,9% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 666,5 triệu USD, chiếm 6,5%; các ngành còn lại đạt 1.617,8 triệu USD, chiếm 15,6%.
6 tháng qua, Bình Dương là địa phương có số vốn đăng ký lớn nhất với 623,2 triệu USD, chiếm 8,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Tây Ninh với 599,4 triệu USD, chiếm 8,1%; Bắc Ninh thu hút được 581,1 triệu USD, chiếm 7,8%...
Đột biến trong thu hút FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông
Trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,6 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 16,7%; Nhật Bản 972 triệu USD, chiếm 13,1%; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 920,8 triệu USD, chiếm 12,4%...
Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang kéo dài, Tổng cục Thống kê đã theo dõi hai luồng vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông và đánh giá đây là sự đột biến trong thu hút từ hai luồng vốn này.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư cấp mới tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,5 tỷ USD, trong đó Hồng Kông là 5,3 tỷ và Trung Quốc là 2,2 tỷ USD. Trong khi đó, tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam năm 2017 chỉ có 3,7 tỷ USD, năm 2018 là 5,8 tỷ USD.
“Riêng số dự án đăng ký cấp mới trong 6 tháng đầu năm 2019 của hai nhà đầu tư này cũng có sự tăng đột biến, tăng gấp đôi so với 6 tháng năm 2018, đạt 437 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3,15 tỷ USD", ông Phong cho hay.
Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư cho rằng, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức lớn trong việc thu hút dòng vốn từ hai nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông. Trong đó, dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành “cứ điểm” hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này có thể vô tình làm cho Việt Nam vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá.
Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng sẽ tạo nên áp lực đối với các DN trong nước. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt rất nhiều các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia, nếu các DN Việt Nam không chuẩn bị tốt, cạnh tranh không tốt thì vô hình chung các DN nước ngoài sẽ được hưởng lợi.
Ngoài ra, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra phức tạp và đặc biệt là trong thời gian tới rất có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm bảo hộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng kịch bản để theo dõi, đánh giá và sẵn sàng can thiệp về mặt chính sách khi cần thiết đối với vấn đề này.
“Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam vẫn cần kiên định trong việc thu hút dòng vốn FDI và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước. Quá trình thu hút vốn FDI là chọn lọc đối với các dự án lớn, trọng điểm, các dự án phát triển tốt về môi trường và định hướng được dòng vốn FDI vào những ngành mà Việt Nam đang cần trong thời gian tới”, đại diện Tổng cục Thống kê khuyến nghị./.
Từ khóa: FDI, vốn FDI, đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn FDI từ Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN