Virus corona nếu lây qua tiêu chảy sẽ là vấn đề lớn với các bệnh viện

Cập nhật: 08/02/2020

VOV.VN - Dù không gây bất ngờ, song việc virus corona mới lây qua đường tiêu chảy nếu được xác nhận có thể trở thành vấn đề “thực sự” đối với các bệnh viện.

Tiêu chảy có thể là con đường lây lan thứ hai của chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi vấp. Đây là thông tin được các nhà khoa học Trung Quốc công bố mới đây sau khi nghiên cứu những trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng đau bụng và tiêu chảy. Dù không gây bất ngờ, song con đường lây truyền mới này nếu được xác nhận có thể trở thành vấn đề “thực sự” đối với các bệnh viện.

virus ncov con lay qua tieu chay: van de thuc su voi cac benh vien? hinh 1
Dù không gây bất ngờ, song việc virus corona mới lây qua đường tiêu chảy nếu được xác nhận có thể trở thành vấn đề “thực sự” đối với các bệnh viện. Ảnh minh họa: Reuters

Trước đây người ta vẫn tin rằng con đường lây bệnh chính là do dịch chứa virus bị phát tán khi người bệnh ho. Nguyên nhân là do các nghiên cứu ban đầu chủ yếu tập trung vào những bệnh nhân có triệu chứng về hô hấp và có thể đã bỏ qua mối liên hệ với tiêu hóa. Theo Nhà nghiên cứu dịch bệnh David Fisman, nguy cơ này không hề gây ngạc nhiên cho giới khoa học, do virus mới cùng họ với virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên, việc virus lây truyền qua đường chất thải có thể đặt ra thách thức mới cho công tác kiểm soát virus và thậm chí có khả năng sẽ là vấn đề lớn trong các bệnh viện, bởi nơi đây có thể trở thành nguồn khuếch tán virus.

Chuyên gia virus Benjamin Neuman thì lại tỏ ra thận trọng khi cho rằng dù việc lây truyền qua đường chất thải rất đáng để xem xét, song dựa trên các dữ liệu hiện nay, dịch nhầy và việc chạm vào bề mặt chứa virus rồi đưa tay lên mắt, mũi, mồm nhiều khả năng vẫn là con đường lây lan chính.

Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp cho chủng mới của virus corona đang gây ảnh hưởng đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều phương pháp điều trị đang được nghiên cứu và 3 trong số đó đang đạt tiến triển. Đó là sử dụng các loại thuốc điều trị HIV, điều trị Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) hay điều trị virus Ebola.

Tại Trung Quốc, 761 bệnh nhân viêm phổi cấp do chủng virus corona mới đang được điều trị thử nghiệm bằng thuốc chống virus Remdesivir, từng dùng để trị Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) trước đây.

Theo bác sĩ Triệu Kiến Bình, thuộc nhóm y bác sĩ điều trị ở tỉnh Hồ Bắc, ông và các đồng nghiệp của mình kỳ vọng cao vào loại thuốc chống virus này.

Bác sĩ Triệu Kiến Bình nói: “Remdesivir là loại thuốc có đặc tính chống virus mạnh nhất hiện nay, song hiện vẫn chưa có bằng chứng trong điều trị thử nghiệm cho con người. Chúng tôi có kỳ vọng cao với loại thuốc này nhưng vẫn cần những kiểm tra và đánh giá về tác động chữa bệnh và độ an toàn của thuốc, với thái độ khoa học. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định sử dụng phương pháp thử nghiệm một cách có kiểm soát, khách quan và trên các bệnh nhân ngẫu nhiên theo khuyến nghị của WHO”.

Để ngăn chặn dịch bệnh, Bộ Y tế Mỹ (HHS) cũng đang hợp tác với hãng dược phẩm Regeneron để bào chế một loại thuốc điều trị virus corona chủng mới, với việc sử dụng cùng công nghệ đã dùng để bào chế một loại thuốc thực nghiệm điều trị Ebola. Phương pháp dựa trên việc phát triển kháng thể đơn dòng để chống lại căn bệnh, hướng chữa trị khác so với cách dùng các thuốc kháng virus và trị cúm đang tỏ ra là biện pháp khả quan trong việc điều trị.

Tại Anh, giới chuyên gia nước này vừa thông báo về một đột phá cực kỳ đáng mừng: rút ngắn thành công thời gian phát triển một công đoạn trong điều chế vaccine từ 2 - 3 năm xuống chỉ còn vỏn vẹn 14 ngày. Cụ thể theo giáo sư Robin Shattock, chuyên gia hàng đầu về miễn dịch và nhiễm trùng tại Đại học Hoàng gia London (Anh), nhóm nghiên cứu của ông sẽ có thể bắt đầu công đoạn thử nghiệm vaccine trên động vật ngay từ tuần tới, đồng thời hy vọng nghiên cứu trên người sẽ xuất hiện trong hè này.

Trong khi đó, nhà khoa học Sarah Gilbert thuộc Đại học Oxford cho biết, các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới cũng đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm trên động vật:"Toàn bộ quá trình phát triển vaccine trong thế kỷ trước thường mất tới 20 năm. Chúng tôi đã cố gắng cắt giảm rất nhiều thời gian này. Và bây giờ chúng tôi nghĩ có thể làm được trong khoảng một năm, đó là một cải tiến lớn”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, dù có tốc độ lây lan nhanh chóng, song tỉ lệ tử vong do chủng virus corona mới chỉ ở mức trên dưới 2%, vẫn thấp hơn nhiều so với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), từng khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và gần 800 người thiệt mạng hồi năm 2002-2003. Phần lớn các trường hợp tử vong đều đến từ tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, điểm sáng trong dịch bệnh là chỉ riêng tại Trung Quốc, tính đến nay đã có hơn 2.000 người bình phục và đã xuất viện sau khi nhiễm virus corona./.


Từ khóa: nCoV lây qua tiêu chảy, con đường lây nhiễm ncov, virus corona, dịch corona, viêm phổi vũ hán

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập