Virus 2019-nCov sắp có tên gọi chính thức mới dễ đọc hơn?

Cập nhật: 05/02/2020

VOV.VN - Các nhà khoa học đang suy nghĩ đến việc thay đổi tên gọi chính thức của 2019-nCov bởi cái tên này khó đọc và dễ dẫn đến những hệ quả không mong muốn.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây nên đã lan rộng trên 20 quốc gia và khiến hơn 24.000 người nhiễm bệnh chỉ tính riêng tại Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, chủng virus corona mới chết người này vẫn chưa có một cái tên chính thức.

Một nhóm các nhà khoa học cho biết họ đang coi việc này là một ưu tiên và chuẩn bị thông báo một thuật ngữ chính thức về chủng virus này.

virus 2019-ncov sap co ten goi chinh thuc moi de doc hon? hinh 1
2019-nCov sắp có tên gọi chính thức trong một vài ngày tới. Ảnh: AFP

Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus (ICTV) đã coi việc quyết định tên gọi chính thức của virus corona mới là một "nhiệm vụ cấp bách".

Giáo sư Crystal Watson tại Trung tâm An ninh Y tế John Hopkins cho biết việc đặt tên cho một chủng virus mới thường bị trì hoãn bởi ưu tiên chính là sự phản ứng với dịch bệnh.

Tuy nhiên, có một vài lý do giải thích tại sao việc đặt tên cho loại virus này nên là một ưu tiên.

Theo tên gọi tạm thời mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt cho chủng virus mới này, giáo sư Watson nhận định với BBC rằng 2019-nCov là một cái tên khó sử dụng dẫn đến truyền thông và công chúng sử dụng nhiều cụm từ khác nhau để gọi nó.

Virus corona mới là một chủng mới trong họ virus corona mà trước đó chưa từng được xác định trên con người. Chữ "n" là viết tắt của từ "novel" (nghĩa là “mới”) và "CoV" là thay thế cho từ "coronavirus".

2019-nCov nằm trong một họ virus lớn hơn, được tìm thấy trên cả người và động vật, trong đó virus corona mới có thể lây nhiễm cho người, gây nên các tình trạng từ cảm lạnh thông thường cho tới các triệu chứng nghiêm trọng hơn như các bệnh về hô hấp.

"Vấn đề nguy hiểm khi bạn không có một từ chính thức là mọi người bắt đầu sử dụng các cụm từ như China Virus (virus Trung Quốc) và điều đó có thể gây nên những phản ứng trái chiều từ một số người nhất định", ông Watson cho biết, đồng thời khẳng định mạng xã hội khiến những tên gọi không chính thức này lan rộng nhanh chóng.

Những chỉ dẫn của WHO về việc đặt tên cho các loại bệnh truyền nhiễm mới trên con người quy định, tên gọi này không nên bao gồm các vị trí địa lý như các thành phố, các quốc gia, các vùng miền hoặc các lục địa.

Tổ chức này cũng dẫn ra rằng Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), cúm Tây Ban Nha và viêm não Nhật Bản là những tên gọi nên tránh.

Tên các loại bệnh cũng cần tránh đặt theo tên con người, các loài động vật hoặc thức ăn bởi những cụm từ như vậy có thể dẫn đến những lo sợ không cần thiết cũng như ảnh hưởng đến những vấn đề như văn hóa, dân số và nghề nghiệp.

Những chỉ dẫn của WHO khuyến khích tên bệnh nên bao gồm những cụm từ chỉ những đặc điểm chung của các triệu chứng cũng như miêu tả một số đặc điểm cụ thể như nhóm tuổi, thời gian ủ bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh, mùa hoặc môi trường dễ mắc bệnh.

Một giáo sư về virus học trong nhóm nghiên cứu ICTV quyết định tên gọi mới của loại virus này cho biết đội ngũ này đã thảo luận về vấn đề trên cách đây 2 tuần. Hiện họ đã gửi tên gọi này tới một tạp chí khoa học và hy vọng có thể thông báo chính thức trong một vài ngày tới./.

Từ khóa: virus corona có tên gọi mới, 2019-nCov, tên gọi gây hiểu lầm, viêm phổi cấp, WHO

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập