Việt Nam và Trung Quốc: Cùng đi một con đường, cùng chung một chí hướng
Cập nhật: 11/11/2022
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
UAV cáp quang Nga bay thẳng vào lòng thiết giáp Ukraine từ phía sau
VOV.VN - Sự gắn bó, chia sẻ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong xây dựng đất nước trên con đường CNXH không chỉ có lợi cho sự phát triển của hai nước, hai dân mà còn là động lực, nòng cốt cho phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới.
Từ ngày 30/10 đến ngày 2/11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Ngay sau chuyến thăm, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc phối hợp tổ chức Tọa đàm “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại" (hội thảo trực tuyến).Tại hội thảo này, đại biểu của hai nước nhận định: Việt Nam và Trung Quốc cùng đi một con đường, cùng chung một chí hướng.
Cùng đi một con đường, cùng chung một chí hướng
Từ cuối thế kỷ XX đến nay, Trung Quốc, Việt Nam đều điều chỉnh đường lối, chiến lược, dồn trọng tâm cho các chủ trương, chính sách khắc phục khủng hoảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới.
Phân tích về các trọng tâm này, PGS,TS. Nguyễn Viết Thảo, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ra 2 ý chính.
Một là, Việt Nam và Trung Quốc đều xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Mọi nhiệm vụ khác phải góp phần phục vụ nhiệm vụ trung tâm này nhằm chấm dứt tình trạng thiếu đói, khan hiếm hàng hóa, dịch vụ, khẩn trương giảm nghèo, giải phóng sức sản xuất, tạo ra nhiều của cải, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cụ thể, Trung Quốc đã ưu tiên phát triển các tỉnh duyên hải Đông Nam, tạo ra các đầu tầu cần thiết kéo đoàn tàu khổng lồ của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân ra khỏi nghèo đói, khủng hoảng.
Còn Việt Nam tập trung vào 3 chương trình kinh tế lớn: Chương trình sản xuất lương thực - thực phẩm, chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và chương trình sản xuất hàng xuất khẩu; nhờ vậy, đến năm 1996, về cơ bản đã ra khỏi khủng hoảng, bước vào thời kỳ phát triển mới.
Hai là, trên cơ sở phục hồi quan trọng đó, các nước xã hội chủ nghĩa đã năng động, sáng tạo xây dựng mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với bối cảnh mới của thời đại và điều kiện cụ thể của đất nước.
Trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa Mác với tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng ba đại diện, quan điểm phát triển khoa học và tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng, ngày càng hoàn thiện mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Trung Hoa.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng, bổ sung, ngày càng hoàn thiện nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là xã hội Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Trung Quốc đang mở ra hành trình mới xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện, Việt Nam cũng phấn đấu vươn lên hướng tới hai mục tiêu Một trăm năm.
Phân tích về sự tương đồng về đường lối giữa hai nước, Giáo sư, Viện sĩ Trình Ân Phú, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: “Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều thực hiện thể chế kinh tế thị trường với tính chất và định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi thế có tính tương đồng rất lớn trong phương diện kinh tế - xã hội và tư tưởng chính trị”.
Giáo sư, Viện sĩ Trình Ân Phú nhận định: “Sau hơn 100 năm kế thừa và phát triển, Trung Quốc và Việt Nam đã trở thành hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới”.
Thành tựu là minh chứng cho tính ưu việt
Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc đã khẳng định những thành quả vĩ đại của công cuộc xây dựng CNXH đặc sắc thời đại mới của Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm gần đây.
Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đạt những thành tựu ngoạn mục. Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cuộc chiến thoát nghèo lớn nhất trong lịch sử loài người: 100 triệu dân thoát nghèo, khá giả toàn diện; tuổi thọ bình quân người dân nâng lên 78,2 tuổi, có chế độ an sinh, phúc lợi xã hội.
Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đang phát huy sức sống mới trước những thử thách của lịch sử là bài học kinh nghiệm mang tầm cỡ thời đại, là tấm gương soi chiếu cho nhiều nước lựa chọn con đường phát triển vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và toàn dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN của Việt Nam đã và đang giành được những thắng lợi rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Trong điều kiện khó khăn nhưng Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới; chính trị ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; đặc biệt Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo trước 10 năm, được cộng đồng thế giới đánh giá cao.
PGS.TS Trương Ngọc Nam, Nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền kết luận: “Có thể nói những thành tựu to lớn của CNXH ở Việt Nam và Trung Quốc đã khẳng định tính ưu việt, sức sống mãnh liệt của CNXH - tương lai phát triển của loài người. Chúng ta có quyền tự hào và hoàn toàn kiên định, tự tin đi trên con đường CNXH mà đảng và nhân dân mỗi nước đã lựa chọn. Công cuộc đổi mới của Việt Nam và cải cách, mở cửa của Trung quốc đạt được những thành quả to lớn, mấu chốt là ở sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng”.
Nhận định chế độ chính trị hai nước Trung Quốc - Việt Nam giống nhau, con đường phát triển tương đồng, tiền đồ vận mệnh tương quan, ông An Hiểu Vũ - Chủ nhiệm Trung tâm Các chương trình Ngôn ngữ Á – Phi Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc kết luận: Sự thành công của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như cuộc gặp giữa Tổng Bí thư hai Đảng đánh dấu quan hệ Trung - Việt bước sang giai đoạn mới then chốt.
Chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc lịch sử
Từ ngày 30/10 đến ngày 2/11, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Cuộc hội đàm giữa Lãnh đạo hai Đảng tại Bắc Kinh thu hút sự quan tâm của thế giới.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiếp đón lãnh đạo nước ngoài sau Đại hội XX, Tổng Bí thư Tập Cận Bình lần đầu tiên giới thiệu trực tiếp với lãnh đạo nước ngoài tình hình của Đại hội XX. Trung Quốc cũng là nước đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm sau khi được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ XIII. Điều này thể hiện đầy đủ tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam.
GS. TS. Phan Kim Nga, Trưởng Ban Nghiên cứu Phong trào cộng sản quốc tế, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phân tích ý nghĩa của chuyến thăm này trên hai góc độ.
Thứ nhất, xét từ góc độ Phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới và Phong trào cộng sản quốc tế, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có nhiệm vụ, mục tiêu và lợi ích chiến lược chung giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra hành trình mới cho xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của hai nước. Tại khởi điểm của sự phát triển mới, việc tiến hành cuộc gặp và giao lưu giữa hai Tổng bí thư sẽ có lợi cho tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước giữa đảng cầm quyền Mác-xít, có lợi cho việc thúc đẩy thuận lợi sự nghiệp cải cách và đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Thứ hai, xét về tình hình quốc tế và khu vực, hai đảng đều nhất trí cho rằng, thế giới hiện nay đang gặp những biến động sâu sắc và phức tạp, và sự phát triển của khu vực châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều là nước quan trọng của châu Á, vì vậy sự hợp tác hữu nghị giữa hai nước đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
GS. TS. Phan Kim Nga nhấn mạnh thêm: “Trong thời gian chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo hai Đảng còn thảo luận về việc tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và giao lưu giữa hai nước Trung – Việt. Điều đặc biệt đáng mừng là, quan hệ kinh tế – thương mại đã trở thành một trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước Trung – Việt”.
Dẫn câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của Việt Nam, ông Ngụy Vi - Trưởng Ban Việt ngữ, Trung tâm Các chương trình Ngôn ngữ Á – Phi, Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc nhắc lại những trọng tâm chính trong buổi tọa đàm giữa hai Tổng Bí thư.
Ông nhận định: “Cùng là nước xã hội chủ nghĩa, hai nước có ưu thế tự nhiên trong hợp tác nghiên cứu lý luận. Việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý đất nước, triển khai hiệu quả giao lưu và hợp tác nghiên cứu lý luận có lợi cho việc đáp ứng nhu cầu chung thúc đẩy xây dựng đất nước của mỗi nước, có lợi cho sự phát triển và ổn định của mỗi nước, có thể mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước”./.
Từ khóa: chế độ chính trị Việt Nam và Trung Quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam và Trung Quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN