Việt Nam và Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng tầm hợp tác
Cập nhật: 06/10/2024
VOV.VN - Việt Nam và Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng tầm hợp tác giữa hai nước cả về lượng và về chất, nhất là khi cả hai nước đều đang đứng trước những đòi hỏi lớn lao về phát triển đất nước .
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-7/10. Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp là dịp để hai nước khẳng định mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược.
Quan hệ Việt Nam - Pháp, hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ vào năm 1973 và nhất là sau hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013, ngày càng phát triển tốt đẹp.
Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà nổi bật là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2002), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2018); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (năm 2019); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (năm 2021)... và các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande (năm 2016); Thủ tướng Pháp Édouard Philippe (năm 2018); Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (năm 2022); Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Olivier Becht (năm 2023). Mới đây nhất là chuyến thăm và dự Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/2024) Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu, đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ song phương khi cùng nhau vượt qua quá khứ và hướng tới tương lai.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là nước có vị thế và uy tín chính trị cao trên thế giới, có nền kinh tế phát triển, có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Âu, EU và đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, là thành viên sáng lập và chủ chốt của nhiều tốt chức khu vực và quốc tế quan trọng, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á.
Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động về đối ngoại và hội nhập, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước coi trọng và đánh giá cao vai trò đối tác của nhau trong trong quan hệ giữa hai châu lục, hai khu vực và giữa ASEAN với EU, chia sẻ nhiều quan tâm chung về thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, những giá trị chung như chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc.
Năm 2023 đánh dấu đậm chất quan hệ song phương khi hai nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973-12/4/2023) và 10 năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023). Trong năm qua, hơn 50 đoàn công tác các cấp của Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương đã đến thăm và làm việc tại Pháp.
Hai nước cũng duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như: Đối thoại Chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp, do Bộ Ngoại giao chủ trì; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng.
Về kinh tế, Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Italia), nhà đầu tư lớn thứ 2 và đứng đầu viện trợ ODA cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Hiện Pháp có hơn 350 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam. Các thế mạnh của Pháp về viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y dược, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics, nông nghiệp chất lượng cao, là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế nước ngoài của Việt Nam. Hiện Pháp cũng đã có lộ trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Pháp có 692 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 3,93 tỷ USD, đứng thứ 16/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, thông qua sự hỗ trợ của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Pháp, nhiều đoàn địa phương đã và đang xúc tiến nhiều chuyến thăm, tìm kiếm cơ hội hợp tác với phía Pháp. Điển hình của sự hợp tác phi tập trung Việt – Pháp có thể kể đến tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle Aquitaine. Song phương vừa kỷ niệm 20 năm hợp tác giữa hai địa phương hồi tháng 6/2024.
Kim ngạch thương mại song phương Việt - Pháp đạt mốc 4,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt gần 3,2 tỷ USD. Tính đến tháng 7/2024, xuất khẩu hai bên đã đạt 2,96 tỷ USD. Theo dự đoán, từ nay đến cuối năm, kim ngạch thương mại đôi bên nhiều khả năng đạt mốc kỷ lục mới. Pháp xuất sang Việt Nam chủ yếu là các thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp-thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm... Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang dần khẳng định mình là đối tác quan trọng của Pháp khi xuất khẩu nhiều mặt hàng đa dạng như giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử...
Với sự năng động, Thương vụ Việt Nam tại Pháp trong nhiều năm trở lại đây liên tục triển khai các chương trình quảng bá văn hóa, ẩm thực và hàng hóa Việt Nam tới đông đảo người tiêu dùng tại Pháp. Các tuần lễ hàng Việt Nam trong các hệ thống siêu thị nổi tiếng ở Pháp như Carrefour, Système U, E. Leclerc được đông đảo người dùng Pháp hưởng ứng và đón nhận. Qua các sự kiện này, ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng với người dân Pháp nói riêng và bạn bè châu Âu nói chung. Các món ăn như « Bánh Mì », « Phở » hay « Bò bún » giờ đây đã trở thành trào lưu ẩm thực được hoan nghênh tại Pháp. Ông Didier Boulogne, Phó Tổng Giám đốc phụ trách các hoạt động xuất khẩu của Business France khẳng định Việt Nam và Pháp có rất nhiều cơ hội để hợp tác.
Theo ông Didier, Việt Nam là một đất nước năng động và là một trong những quốc gia cởi mở nhất ở khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu và trao đổi thương mại. Với những hiệp định thương mại tự do được ký kết với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có Liên Minh châu Âu, Việt Nam có những yếu tố để phát triển hợp tác.
Về khoa học, Hợp tác Khoa học và công nghệ, giữa Việt Nam và Pháp đã được triển khai từ năm 1977 thông qua Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học và kỹ thuật được ký cùng năm. Đây là một cơ chế đối thoại để hai bên thảo luận về những hoạt động ưu tiên và những chương trình cùng được phát triển trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học và kĩ thuật.
Vài thập kỷ sau đó, Hiệp định hợp tác Khoa học và công nghệ giữa hai Chính phủ được ký vào năm 2007 để đảm bảo tầm quan trọng và lợi ích của cả hai bên trong các hoạt động và dự án hợp tác về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo thuộc nhiều lĩnh vực, đồng thời nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các chuyên gia, cơ quan và tổ chức Khoa học và công nghệ hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong việc trao đổi thông tin, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án mà hai bên cùng quan tâm.
Để triển khai Hiệp định này, Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Pháp đã ký Thỏa thuận về Chương trình hỗ trợ trao đổi khoa học « Hoa Sen » với mục đích nhằm phát triển các hoạt động hợp tác Khoa học và công nghệ xuất sắc giữa các tổ chức nghiên cứu của hai nước cũng như khuyến khích nhà nghiên cứu trẻ tham gia. Các lĩnh vực hợp tác chính: Công nghệ sinh học, y tế, vật liệu mới, công nghệ thông tin và truyền thông, toán học, vật lý và hoá học ứng dụng, công nghệ Nano, hợp chất tự nhiên, môi trường, nông nghiệp…
Nhìn lại sau 17 năm thực hiện Chương trình Hoa Sen, hai bên đã có những trao đổi khoa học về y tế, nông nghiệp, công nghệ sinh học - dược học, vật liệu mới... Việt Nam đã có nhiều cán bộ được đào tạo ngắn hạn, đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ và có công bố quốc tế, trong nước. Nhà khoa học của Việt Nam có cơ hội được làm việc trong môi trường hiện đại, sử dụng các thiết bị nghiên cứu tiên tiến và tiếp cận với nhiều kết quả nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong các lĩnh vực khác cũng được hai bên tích cực đẩy mạnh như hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, sở hữu trí tuệ, công nghệ vũ trụ...
Về giáo dục và đào tạo, với nhiều liên kết lịch sử lâu đời, Pháp luôn chú trọng việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp. Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội vào năm 1997, Pháp đã hỗ trợ Việt Nam mở nhiều lớp giảng dạy song ngữ Pháp – Việt, hỗ trợ các cán bộ, giáo viên Việt Nam sang pháp đào tạo, đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam như các trường đại học nhằm khuyến khích việc đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực, như quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới... Hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo, như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam, dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tin học Pháp ngữ (IFI).
Về hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân, cả Việt Nam và Pháp đều ưu tiên tổ chức các hoạt động quảng bá song phương, coi đây là một điểm sáng của mối quan hệ. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cùng phái đoàn UNESCO và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp liên tục có những hoạt động giao lưu, quảng bá tới bạn bè Pháp các làn điệu dân ca như hát Quan họ, hát Chầu văn hay các loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng như tranh Đông Hồ, tranh sơn mài. Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 50 năm Hiệp định Paris, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, Ngày Việt Nam tại Pháp, Ngày Văn hóa Việt Nam, Tết cộng đồng, các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo dấu chân Bác Hồ giúp bạn bè Pháp và quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Phía Pháp cũng tích cực giới thiệu tới người dân Việt Nam nhiều loại hình văn hóa nổi tiếng của đất nước. Thông qua các hoạt động của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cùng sự phối hợp của Business France và Viện Pháp tại Việt Nam, nhiều tuần lễ phim Pháp đã được khởi chiếu, nhiều ngày hội ẩm thực Pháp đã trở thành điểm hẹn của người dân Việt. Các hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp trong năm 2023 như Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội; triển lãm 3D về Quốc Tử Giám, sự kiện Dạo quanh nước Pháp với các gian hàng ẩm thực, giao lưu, trải nghiệm; triển lãm về nước Pháp; công chiếu vở nhạc kịch Hoàng tử bé; trình chiếu ánh sáng tại Huế... đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân Việt Nam.
Việt Nam và Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng tầm hợp tác giữa hai nước cả về lượng và về chất, nhất là khi cả hai nước đều đang đứng trước những đòi hỏi lớn lao về phát triển đất nước cũng như cùng đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình và hợp tác.
Quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực sẽ tạo động lực mới để nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai bên. Mối quan hệ đó sẽ giúp cho cả hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển, an ninh và ổn định.
Trong chuyến thăm chính thức nước Pháp lần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai nước sẽ cùng nhau xác định những định hướng lớn, tạo những khuôn khổ và mở ra chương mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, trong đó tập trung vào việc nâng cao hiệu quả và nâng cấp các cơ chế hợp tác song phương, làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - thương mại và đầu tư, với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác công nghệ cao, chuyển giao công nghệ là những lĩnh vực sẽ được đặc biệt chú trọng. Hợp tác trên các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hàng không vụ trụ, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ sản xuất hydrogen xanh, du lịch xanh, kinh tế biển, phát triển nghề cá bền vững sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Pháp với tư cách Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và là chuyến thăm cấp nguyên thủ Nhà nước tới Pháp trong 22 năm qua. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, hướng tới việc nâng cấp quan hệ hai nước thời gian tới.
Từ khóa: Quan hệ Việt Nam - Pháp, Quan hệ Việt Nam - Pháp,tầm cao mới,Cộng hòa Pháp ,Emmanuel Macron,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm,Đại sứ,50 năm
Thể loại: Nội chính
Tác giả: anh tuấn/vov-paris
Nguồn tin: VOVVN