Việt Nam thực hiện bình đẳng giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid

Cập nhật: 21/10/2021

(VOV5) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Năm 2021 là năm Việt Nam bắt đầu thực hiện Chiến lược bình đẳng giới của giai đoạn mới (2021- 2026). Tuy ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương,việc thực hiện Chiến lược được triển khai rộng khắp và đạt được kết quả tích cực, hỗ trợ đắc lực phụ nữ và trẻ em gái vượt qua đại dịch.

Báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2021 ước tính đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương “một thế hệ” (từ 99,5 năm tới 135,6 năm, dựa trên tiến độ hiện tại). Các nghiên cứu khác cũng cho thấy dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đối với phụ nữ, những người có nguy cơ mất việc làm cao hơn nhiều so với nam giới, trong khi vẫn phải đảm nhận gánh nặng trong sóc gia đình, con cái khi các trường học bị đóng cửa. Những tác động này sẽ còn kéo dài và các mục tiêu cơ bản đối với bình đẳng giới đang trở nên càng khó thực hiện. Riêng đối với Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, tác động nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, gây thách thức cho việc thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như việc triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Việt Nam thực hiện bình đẳng giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid - ảnh 1Phát biểu tại Cuộc họp Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định cam kết thúc đẩy thực hiện công tác bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền năng kinh tế. Ảnh: Bộ LĐTBXH

Trong bối cảnh đó, iệc xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Chính phủ Việt Nam phân tích và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể, đi kèm với những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đến quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội.Trong những giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh, việc bảo đảm sức khỏe, tạo việc làm và thu nhập bền vững, chia sẻ vaccine công bằng, đặc biệt là đảm bảo phụ nữ được tiếp cận vaccine, là những lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên hàng đầu. Điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 18/10/2021, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Bộ này đề xuất Chính phủ hỗ trợ phụ nữ bị nhiễm Covid-19 đang mang thai hoặc sinh con trong khoảng thời gian dịch bệnh một lần 2 triệu đồng/người. Người có chức danh nghề nghiệp chuyên môn y tế, chức danh nghề nghiệp khác đang công tác trong ngành y tế và học viên, sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe , là nữ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa bàn, được hỗ trợ 1 lần 1 triệu đồng/người. Phụ nữ gặp khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh. Đối với chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do cha, mẹ tử vong vì nhiễm Covid-19, được hỗ trợ từ 5-20 triệu đồng/trẻ em. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cũng được hỗ trợ thêm 1 lần 2 triệu đồng/người. Bộ Lao động-Thương binh – Xã hội cho biết tổng nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên khoảng 127,33 tỷ đồng. Nghị quyết của Chính phủ là hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được thực thi sẽ giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ và trẻ em, những nhóm yếu thế cần được ưu tiên.

Việt Nam thực hiện bình đẳng giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid - ảnh 2Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chuẩn bị bánh, sữa, nước uống cho phụ nữ, trẻ em và người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam về tới ngã ba Cầu Giẽ dừng chân để thực hiện khai báo y tế trước khi về các tỉnh phía Bắc. Ảnh:hanoimoi.com.vn

Không chỉ hỗ trợ tức thời, đảm bảo ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam tiếp tục cam kết thúc đẩy thực hiện công tác bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền năng kinh tế sau dịch bệnh. Các bộ, ngành đã áp dụng các chương trình giáo dục đào tạo trực tuyến linh hoạt, ứng dụng công nghệ số cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, cung cấp dịch vụ tài chính và phi tài chính cho phụ nữ yếu thế nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ. Rõ nhất là trong các gói hỗ trợ được Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt là gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng “đã mở rộng thêm những đối tượng đặc thù như lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và các nhóm đối tượng mà trong đó phụ nữ chiếm đa số như lao động tự do, hộ kinh doanh, viên chức hoạt động nghệ thuật…”

Rõ ràng là vấn đề bình đẳng giới được Việt Nam thực hiện hiệu quả trong dịch bệnh Covid 19, đồng thời tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 sẽ là cơ sở quan trọng để phụ nữ và trẻ em thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, phụ nữ, bình đẳng giới, dịch bệnh COVID-19, ngân hàng chính sách xã hội

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập