Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị G20
Cập nhật: 25/09/2019
Lời cảm ơn của gia đình Đại tướng Nguyễn Quyết
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tổng kết ngành nông nghiệp, nông thôn
VOV.VN - Việc Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị G20 thể hiện sự tin tưởng vào đóng góp của Việt Nam đối với những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị.
Trong 2 ngày 28-29/6, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) với tư cách khách mời đặc biệt.Sự tham gia của Việt Nam vào Hội nghị này chứng tỏ vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng được củng cố.
Phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam về sự kiện này.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. |
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về việc Nhật Bản mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Trong thời kỳ Reiwa, bắt đầu từ ngày 1/5/2019, đây là hội nghị quốc tế lớn đầu tiên mà Nhật Bản đăng cai tổ chức với sự tham gia của các nguyên thủ và lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị chao đảo bởi hai chiều hướng trái ngược nhau: Sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong khi xu thế tự do thương mại đang phát triển. Các xu thế trái ngược nhau đó có tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới.
Theo tôi, việc Nhật Bản mời Việt Nam tham dự một hội nghị quan trọng như vậy với tư cách khách mời đặc biệt xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản rất đặc biệt. Chúng ta là một người bạn rất tin cậy đối với Nhật Bản.Chính vì vậy, Nhật Bản muốn mời Việt Nam tham gia để đóng góp cho một hội nghị rất quan trọng mà nước này đăng cai tổ chức.
Thứ hai, chính vị thế của đất nước ta cũng đang lên. Hội nghị lớn như vậy và chúng ta được mời với tư cách khách mời đặc biệt thể hiện các nước thành viên G20 cũng rất coi trọng Việt Nam.
PV: Đây là lần thứ 4 Việt Nam tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách là khách mời đặc biệt. Vậy tại Hội nghị lần này Việt Nam sẽ có những đóng góp gì mới?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chúng ta đã đóng góp tích cực và chủ động vào nền kinh tế-chính trị quốc tế.
Vì vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, với tư cách khách mời đặc biệt, chắc chắn chúng ta sẽ tham gia tích cực vào chương trình nghị sự của hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ có các phát biểu quan trọng ở các phiên với những vấn đề then chốt của hội nghị.
Theo tôi, ba vấn đề then chốt mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi trọng và đưa ra thảo luận ở hội nghị lần này gồm: Cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế số và môi trường, đặc biệt là môi trường trên biển. Cả ba chủ đề đó đều liên quan mật thiết tới lợi ích của chúng ta và hiện nay, chúng ta đang tích cực tham gia giải quyết ba vấn đề đó.
Trước hết, đối với vấn đề tự do hóa thương mại, Việt Nam là một trong những nước tham gia WTO rất muộn nhưng khi tham gia WTO, chúng ta đã tham gia rất tích cực.
Thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người khởi xướng việc Việt Nam chuyển đổi rất nhanh sang nền kinh tế 4.0.Với tư cách Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, chắc chắn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia tích cực vào vấn đề kinh tế số.
Thứ ba, Việt Nam là quốc gia biển cho nên rác thải nhựa trôi nổi ở trên biển có nguy cơ đe dọa nền kinh tế biển của Việt Nam. Vì vậy, đây là vấn đề sát sườn của Việt Nam và tôi cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham gia tích cực vào chủ đề này.
Ngoài việc tham gia vào chương trình nghị sự của G20, đây là dịp để Thủ tướng tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước thành viên G20. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang thu xếp để Thủ tướng có chuyến thăm song phương với Nhật Bản.
PV: Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang hết sức tốt đẹp. Nhưng để duy trì và phát triển hơn nữa mối quan hệ đó, hai nước cần phải làm gì ở thời điểm hiện tại và tương lai?
Đại sứ Vũ Hồng Nam: Việt Nam và Nhật Bản vừa kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2018. Hai nước đã đánh giá rằng chưa bao giờ hai nước có mối quan hệ tốt đẹp như hiện nay.
Vừa rồi, trong cuộc họp của Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật, cả hai phía đều đánh giá là đối tác đặc biệt của nhau. Với tư cách Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, tôi cũng cho rằng quan hệ giữa hai nước rất đặc biệt, từ cả góc độ quan hệ giữa nhân dân và nhân dân.
Chưa bao giờ nhân dân hai nước lại có mối giao lưu sôi nổi như hiện nay. Hàng triệu du khách Nhật Bản thăm Việt Nam, hàng trăm ngàn người Việt Nam thăm Nhật Bản. Trước đây, chưa bao giờ có như vậy. Hiện tại, 330.000 người Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản.
Việt Nam cũng có một đội ngũ trí thức rất đông đảo đang học tại Nhật Bản và bạn không ngần ngại để truyền đạt cho các thế hệ trẻ của chúng ta các kiến thức và công nghệ với mục tiêu duy nhất là muốn Việt Nam phát triển phồn thịnh. Đó là mối quan hệ đặc biệt và chỉ có mối quan hệ đặc biệt mới tạo ra các kết quả về chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân như hiện nay.
Sắp tới, tôi cho rằng quan hệ Việt-Nhật sẽ tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trên hai góc độ. Thứ nhất, chúng ta có thể thấy rất rõ về mặt chính trị. Việt Nam không phải là thành viên của G20 nhưng chúng ta được nước chủ nhà Nhật Bản mời tham gia như một khách mời đặc biệt và được tham gia vào tất cả các phiên quan trọng của hội nghị. Điều đó thể hiện Nhật Bản coi Việt Nam như một thành viên quan trọng trong hệ thống của G20 cũng như trong nền chính trị-kinh tế thế giới.
Vấn đề thứ hai, tôi cho rằng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển nhanh hơn, đó là hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng chỉ mới nửa năm thôi, chúng ta đã thấy CPTPP đã tác động rất mạnh vào thương mại giữa hai nước.
Trong 6 tháng đầu năm, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao như rau quả, thủy sản, dệt may, giày dép, trong khi nhập khẩu cơ bản vẫn giữ như năm ngoái. Đây là tốc độ tăng khá lớn so với trước khi có CPTPP. Tôi cho rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quen với các điều kiện của CPTPP và tham gia nhiều hơn thì trao đổi thương mại giữa hai nước sẽ tăng nhiều hơn nữa.
Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2019, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 1,52 tỷ USD. Tính lũy kế cho đến nay, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 57,4 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng số vốn FDI vào Việt Nam, đứng thứ 2 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. CPTPP mang lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và đây chính là lợi thế cho các bạn Nhật Bản vì nền công nghiệp Nhật Bản chủ yếu dựa vào các SME. Vì thế, số lượng SME của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên và nguồn vốn sẽ cao hơn.
Nói tóm lại, tôi cho rằng trong thời gian tới, quan hệ Việt-Nhật sẽ phát triển rất nhanh, rất mạnh trên ba lĩnh vực chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân, và trên cả ba tầng nấc gồm trao đổi đoàn giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, giữa địa phương hai nước và giữa nhân dân hai nước./.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!./.
Từ khóa: Hội nghị G20, Việt Nam, Nhật Bản, CPTPP, SME,
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN