Việt Nam nêu cao tiến bộ nhân quyền, kêu gọi đối thoại và tôn trọng khác biệt
Cập nhật: 27/02/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thuỵ Sỹ) sáng ngày 27/2.
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thuỵ Sỹ) sáng ngày 27/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thông báo những thành tựu mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, đồng thời kêu gọi các quốc gia tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy đối thoại, không chính trị hoá và áp đặt, nhằm chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu, với con người là trung tâm của hành động.
Mở đầu bài phát biểu vào lúc 11h15 sáng ngày 27/2 theo giờ địa phương tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thuỵ Sỹ), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, 75 năm sau khi Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc ra đời, nhân loại đã tiến những bước dài trong việc hiện thực hoá những khát vọng về quyền con người, đã thiết lập được các điều ước quốc tế, các chương trình hành động để cộng đồng quốc tế tăng cường nhận thức và hành động.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, vào thời điểm này nhân loại vẫn đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng xã hội, suy thoái môi trường, thiên tai dịch bệnh, mà đại dịch Covid-19 vừa qua cũng như trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là một bài học cảnh tỉnh. Phó Thủ tướng cũng gửi lời chia sẻ, cảm thông sâu sắc của chính phủ và nhân dân Việt Nam đến chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, khẳng định Việt Nam đã nỗ lực chung tay cùng cộng đồng quốc tế trợ giúp các nạn nhân thảm hoạ động đất bằng cả nhân lực và vật lực.
Đề cập đến những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền tại Viêt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là vinh dự lớn và hành trang của Việt Nam đến với Hội đồng nhân quyền là lịch sử hào hùng của dân tộc, là những thành tựu đáng tự hào trong đổi mới, phát triển kinh tế, là chủ trương luôn đặt con người trong vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, song hành với quyết tâm gánh vác các trọng trách quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng thông báo những chỉ số nổi bật về nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua, như việc GDP năm 2022 tăng 8,02% bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 và bất ổn kinh tế thế giới; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong nhóm đứng đầu khu vực và thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham chính, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%. Dù vẫn nằm trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vẫn có chỉ số phát triển con người cao (HDI), tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021. Với những thành tựu đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp lớn hơn cho cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết: “Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, sẵn sàng làm cầu nối để làm giảm sự khác biệt, gia tăng sự hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền với phương châm “Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả quyền con người dành cho tất cả mọi người”.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ các nhận thức của Việt Nam với tình hình nhân quyền trên thế giới hiện nay. Đầu tiên, Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, mỗi quốc gia đều có khát vọng chung về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nhưng mỗi quốc gia, khu vực có thể có cách tiếp cận khác nhau, do những đặc thù về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hoá, kinh tế-xã hội, vì thế cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù đó để cùng tìm ra mẫu số chung, thay vì chính trị hoá và áp đặt.
Nhận thức thứ hai, đó là việc không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay nên việc đối thoại và hợp tác trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc chính là phương thức tốt nhất để tìm kiếm tiếng nói chung. Thứ ba, quyền con người mang tính phổ quát nên cần phải có cách tiếp cận tổng thể, bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền thiết thân, cơ bản nhất, như quyền được sống trong hoà bình, quyền phát triển, quyền tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế… Để đảm bảo thực thi tốt những nhận thức đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng vai trò của một Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có khả năng dung hoà các khác biệt là điều rất quan trọng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Hội đồng Nhân quyền cần khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Một Hội đồng Nhân quyền hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hoà hợp trong đa dạng, không chính trị hoá, không chia rẽ sẽ là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế”.
Kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết chia sẻ với các thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres rằng tất cả các quốc gia cần nỗ lực xây dựng khế ước xã hội mới, lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, đồng thời tạo ra một cơ hội cho các nước đang phát triển được nói lên tiếng nói của mình. Phó Thủ tướng khẳng định, với ý thức và quyết tâm cao của một thành viên Hội đồng nhân quyền, Việt Nam sẽ đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho công việc của Hội đồng nhân quyền, vì tương lai tốt đẹp hơn của toàn nhân loại./.
Từ khóa: kỳ họp 52 Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự kỳ họp 52 Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nhân quyền
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN