Việt Nam nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt
Cập nhật: 06/11/2024
VOV.VN - Để phản đối quy định bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, thời gian qua, một số cá nhân, doanh nghiệp đã lên tiếng cho rằng sử dụng muối i-ốt trên diện rộng sẽ dẫn đến nguy cơ cường giáp hoặc bệnh lý khác cho người người thừa i-ốt. Bộ Y tế cho rằng, lập luận này thiếu cơ sở khoa học.
Theo Bộ Y tế, sau 6 năm triển khai thi hành Nghị định số 19/1999/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng muối i-ốt cho người ăn (thay thế cho Quyết định số 481/TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối i-ốt), nước ta đã thanh toán được tình trạng thiếu i-ốt và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2005: tỷ lệ bao phủ với muối i-ốt dủ tiêu chuẩn phòng bệnh ≥ 90%, mức trung vị i-ốt niệu ≥ 100 mcg/l và tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi < 5%.
Sau đó, ngày 29/12/2005, Chính Phủ đã ban hành NĐ số 163/2005/NĐ-CP thay thế NĐ 19 để chuyển sang cơ chế quản lý mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt trở thành hoạt động thường quy của Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan. Việc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm không còn là bắt buộc nữa.
Sau 9 năm thi hành NĐ số 163, Bộ Y tế đánh giá chưa đến 50% tỉnh, thành phố trên cả nước đạt tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (mức khuyến cáo của WHO là tỷ lệ bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh phải đạt >90%), mức trung vị i-ốt niệu là 84 mcg/l, thấp hơn khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO (100-199 mcg/l).
Tỷ lệ này cao gấp gần 2 lần so với khuyến nghị của WHO (<5%) và cao gần gấp 3 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam (là 3,6%) khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt.
Năm 2014-2015, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi đã tăng lên 8,3% (điều tra trên quy mô toàn quốc trên hàng nghìn trẻ). Khẳng định Việt Nam thiếu i-ốt không chỉ ở miền núi mà còn thiếu ở cả các khu vực duyên hải miền trung (ven biển).
Theo Báo cáo 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, hiện Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.
Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 tại Việt Nam, trung vị i-ốt niệu của đối tượng trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l, trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l, (trong khi mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 100-199mgc/l); phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l (mức khuyến cáo của WHO cho các đối tượng này là 150-249mgc/l).
Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Như vậy chỉ số trung vị i-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.
Do đó, Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i-ốt, bao gồm muối i-ốt dùng trong hộ gia đình và trong chế biến thực phẩm, tại Việt Nam chưa bao giờ có trường hợp người dân thừa i-ốt.
Từ khóa: Việt Nam, Việt Nam, thiếu i-ốt, Bộ Y tế
Thể loại: Y tế
Tác giả: đinh trang/vov2
Nguồn tin: VOVVN