Việt Nam lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc
Cập nhật: 14/01/2021
Phiên chợ đặc sản bản địa đem hương vị Tết mọi miền đến TPHCM
Phụ nữ Hậu Giang có riêng cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP
VOV.VN - Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố, Việt Nam lần đầu tiên đã vượt qua Đức, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Đây là thành tích khả quan trong trao đổi thương mại giữa hai bên.
Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố hôm nay 14/1, mặc dù gặp phải không ít khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại của nước này vẫn tăng gần 2%, khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế chủ chốt duy nhất trên toàn cầu có mức tăng trưởng dương về thương mại hàng hóa trong năm 2020. Trong đó, đáng chú ý, Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Đức, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Đây là thành tích khả quan trong trao đổi thương mại giữa hai bên. Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Bắc Kinh đã có cuộc trao đổi với ông Đào Việt Anh - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về thành quả đáng khích lệ này.
PV: Xin chào Tham tán, trước tiên xin ông cho biết nguyên nhân nào giúp trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt được những thành tích đáng khích lệ như vậy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến trao đổi kinh tế thương mại trên thế giới trong suốt năm qua và cả hiện nay?
Ông Đào Việt Anh: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và hợp tác kinh tế, thương mại giữa nhiều quốc gia, có thể nói, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là một điểm sáng với nhiều kết quả khả quan vượt ngoài kỳ vọng ban đầu khi đại dịch mới bùng phát.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt mức kỷ lục 192,2 tỷ USD, tăng 18,7%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 22,4%, Việt Nam tiếp tục khẳng định là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Đáng chú ý nhất là trong năm 2020, Việt Nam đã liên tiếp vượt qua Úc và tiếp đó là Đức để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên toàn cầu. Để có được những thành tích rất đáng khích lệ nêu trên, chủ yếu là từ các nhân tố như sau:
Một là, sự chỉ đạo sát sao và sự vào cuộc quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan và các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho hợp tác thương mại, trao đổi hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc trong bối cảnh những tháng đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 mới bùng phát, hoạt động giao thương hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều cửa khẩu, cảng biển bị phong tỏa. Chính sự vào cuộc quyết liệt này của các cơ quan Chính phủ và địa phương đã khơi thông dòng chảy thương mại, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước sớm được phục hồi về trạng thái bình thường.
Hai là, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước đã được phát huy đầy đủ, tối đa, là tiền đề quan trọng để kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng ổn định và bền vững trong thời gian qua.
Ba là, lợi thế về vị trí địa lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, hoạt động logistics giữa hai nước thông qua các loại hình vận chuyển hàng hóa đa dạng bao gồm cả đường bộ, đường thủy, đường sắt… Qua đó, đã tiết giảm được giá thành vận chuyển, thời gian vận chuyển đặc biệt trong bối cảnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cước phí vận tải liên tục tăng mạnh gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
PV: Theo ông, trong năm nay, liệu thương mại giữa hai bên có còn nhiều dư địa phát triển nữa hay không?
Ông Đào Việt Anh: Theo sự quan sát và nhận định của tôi, dư địa hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2021 và các năm tiếp theo vẫn còn rất lớn, cụ thể như sau:
- Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc đang duy trì đà phát triển ổn định và tốt đẹp bất chấp ảnh hưởng đại dịch trong năm 2020, cộng với tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa giữa hai nước đang được phát huy hiệu quả, có thể nhận định, năm 2021, hợp tác thương mại hai nước sẽ tiếp tục phát triển và sẽ đạt được những thành tựu mới về kim ngạch thương mại;
- Trong năm 2020, phía Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho sản phẩm thạch đen của Việt Nam. Hiện nay, các Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam đang tiếp tục đàm phán thúc đẩy phía Trung Quốc sớm mở cửa thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh đem lại giá trị gia tăng cao của Việt Nam như: tổ yến, sầu riêng, khoai lang, vì vậy khi các sản phẩm này được phía Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường sẽ tạo những điểm nhấn mới cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần cải thiện vấn đề nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc;
- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà Việt Nam là thành viên đều đã có hiệu lực trong năm 2019 và 2020. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng đã được ký kết. Đây sẽ là “thỏi nam châm” tạo lực hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc chuyển dịch đầu tư, sản xuất sang Việt Nam trong thời gian tới nhằm tận dụng các ưu đãi trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại Tự do này. Đây cũng chính là nhân tố góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững.
PV: Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tiếp tục phát huy lợi thế và khai thác tối đa một trong những thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc?
Ông Đào Việt Anh: Để có thể phát huy lợi thế và khai thác tối đa thị trường Trung Quốc, xin khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam một số điểm như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, nghiên cứu sâu về các nhu cầu, thị hiếu, mẫu mã, bao bì, khẩu vị,... của người tiêu dùng Trung Quốc; các quy định xuất nhập khẩu, kiểm dịch, kiểm nghiệm, thông quan của nước này, để có chiến lược tiếp cận, thâm nhập phù hợp và hiệu quả đối với thị trường Trung Quốc. Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tốt công tác này, Bộ Công Thương đã phát hành một số cẩm nang, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam về các thông tin liên quan đến thị trường Trung Quốc cũng như các lưu ý để doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và nghiên cứu.
Thứ hai, trong khâu tổ chức sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu cần nghiêm túc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn an toàn của các Tổ chức thế giới, ví dụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản cần chú ý đến các tiêu chuẩn, như GLOBALGAP, VIETGAP và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định của Trung Quốc để đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này sẽ phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do Trung Quốc quy định và thuận lợi trong hoạt động thông quan.
Thứ ba, cần chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động Hội chợ, triển lãm lớn được tổ chức tại Trung Quốc để quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đồng thời kết hợp khảo sát thị trường, kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, làm gián đoạn nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm, các doanh nghiệp cần nghiên cứu thích nghi với các hình thức giao dịch mới, như tham dự các hoạt động giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Trung Quốc do các cơ quan hữu quan của Bộ Công Thương tổ chức cũng như tham dự các hoạt động Triển lãm, Hội chợ trực tuyến nhằm duy trì kết nối, trao đổi với các đối tác Trung Quốc.
Thứ tư, cần xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về ngoại ngữ tiếng Trung và am hiểu văn hóa Trung Quốc để thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối, duy trì liên lạc và trao đổi nghiệp vụ xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp Trung Quốc.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Từ khóa: hợp tác kinh tế Việt Trung, kim ngạch thương mại, Trung Quốc, dịch Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN