Việt Nam là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á
Cập nhật: 25/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ và đứng trước những cơ hội mới. Điều này không chỉ được cảm nhận rõ ràng trong nhịp sống sôi động ở trong nước mà còn được bạn bè quốc tế nhìn thấy và động viên. Trong đó, Australia đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và cam kết đồng hành với Việt Nam không chỉ trong quá khứ mà còn trong tương lai.
Trong bài phát biểu gần đây tại hội thảo của Viện chính sách Australia-Việt Nam (AVPI) diễn ra tại thành phố Adelaide, Australia, Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell khẳng định, Việt Nam đóng vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của khu vực:
“Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Australia dự báo, GDP của khu vực sẽ tăng mạnh trong 2 thập kỷ tới, từ 3,6 nghìn tỷ USD lên đến gần 14 nghìn tỷ USD vào năm 2040. Và Việt Nam là một trong những động lực đóng góp vào sự tăng trưởng này với mức tăng trưởng GDP dự kiến là từ 5% đến 7% mỗi năm từ nay cho đến năm 2040. Số hộ gia đình tại Việt Nam có thu nhập khả dụng trên 15.000 USD sẽ tăng thêm 20 triệu người vào năm 2040. Và khi đó, số lượng người tiêu dùng trung lưu tại Việt Nam sẽ nhiều hơn gấp đôi số lượng người tiêu dùng tại Australia hiện nay”.
Ông Leigh Howard, Giám đốc điều hành Asialink Business và là thành viên Ban cố vấn AVPI trước kia đã từng đứng đầu mạng lưới các văn phòng thương mại và đầu tư của bang Victoria tại khu vực Đông Nam Á nên đã chứng kiến sự thay đổi của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Australia, ông Leigh Howard khẳng định “Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện môi trường thương mại và đầu tư. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã thực hiện những cải cách quan trọng nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh như đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch trong các quy trình quản lý”.
Ông Leigh Howard cũng cho rằng, chính phủ Việt Nam cũng đã đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng và đây là điều rất quan trọng, góp phần làm cho kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Ngoài ra ông Howard cũng cho rằng, Việt Nam cũng có văn hóa tích cực trong hoạt động kinh doanh.
Cũng là một người có nhiều năm làm các công việc liên quan đến Việt Nam, ông Layton Pike, đồng sáng lập Viện chính sách Australia-Việt Nam không chỉ từng làm việc tại Việt Nam mà còn quay trở lại đây nhiều lần và như vậy, cứ mỗi chuyến đi Việt Nam lại mang đến cho ông những điều bất ngờ: “Tôi đã nghiên cứu về quan hệ hai nước trong suốt hơn 10 năm qua và mỗi lần tôi tới thăm Việt Nam, tôi đều ngạc nhiên khi nhìn thấy các tòa nhà mới, con đường mới và bây giờ là đường sắt mới. Tôi cho rằng, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ trong 10 năm qua".
Bà Louise Adams, Giám đốc điều hành công ty Aurecon cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật và thiết kế khẳng định, tốc độ tăng trưởng bền vững liên tục trong nhiều năm qua của Việt Nam là một chỉ số cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của nước này và điều này đạt được là nhờ tổng hòa của nhiều yếu tố:
“Tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng liên tục này chính là do Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, cũng có đóng góp của các yếu tố khác như trình độ kỹ năng tốt, dân số trẻ, hệ thống giáo dục tốt, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư. Việt Nam cũng ngày càng cởi mở thông qua việc tham gia nhiều thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác quốc tế.…và những điều này đã tạo nên thành tựu của Việt Nam".
Những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo ra nền tảng để Việt Nam có nội lực và quyết tâm để có thể nắm bắt cơ hội trong tương lai. Để có thể tạo được bứt phá, ông Layton Pike cho rằng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn để phát triển ngành công nghiệp ở trong nước: “Tôi cũng cho rằng, mặc dù đã có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, nhưng Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào phát triển các ngành công nghiệp trong nước, trong đó, cần đặc biệt chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu và có chất lượng cao. Việt Nam cần tập trung nhiều hơn cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là giáo dục đại học trong nước. Tôi cho rằng các bạn có nhiều cơ hội trong vấn đề này cũng như các lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới, ví dụ như lĩnh vực bán dẫn hay nông nghiệp”.
Trong hành trình tạo ra bước đột phá trong tương lai của Việt Nam, Australia sẽ luôn đồng hành với Việt Nam để cùng tạo ra những dấu ấn mới và mang về lợi ích cho cả hai nước. Tiến sỹ Lê Thu Hường, Chủ tịch Ban Cố vấn của AVPI cho biết, cả Australia và Việt Nam đều đánh giá cao tầm quan trọng của nhau nên hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 3/2024. Khuôn khổ này cùng với các thỏa thuận thương mại tự do đa phương mà hai nước là thành viên đang mở rộng cánh cửa để hai nước làm sâu sắc cũng như mở rộng hơn nữa quan hệ song phương.
“Australia đã nhận thấy tầm quan trọng của Việt Nam, một thị trường trẻ, sôi động, môi trường chính trị vĩ mô tương đối ổn định, có quỹ đạo tăng trưởng tốt. Về phía ngược lại, tôi cũng cho rằng Việt Nam cũng thấy Australia có nhiều tiềm năng trong các khoáng sản quan trọng, năng lượng tái tạo, đào tạo nguồn nhân lực. Có rất nhiều lĩnh vực mà hai quốc gia có thể cung cấp cho nhau và vì thế mà tôi cho rằng nền kinh tế hai nước có tính bổ sung cho nhau và hiện tại có nhiều động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước”.
Cơ hội đang hiện hữu, nỗ lực đang được vun đắp, Việt Nam đang quyết tâm cao để có thể nắm bắt thời cơ và vươn mình xa hơn nữa. Bà Louise Adams tin tưởng, với quyết tâm cao, Việt Nam sẽ được mong muốn của mình: “Chúng ta đã nghe các Bộ trưởng của Việt Nam nói rằng các bạn muốn đóng vai trò lớn hơn trong thị trường toàn cầu và thử thách bản thân trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, chăm sóc người dân và tạo dựng một tương lai thịnh vượng. Với hiểu biết của mình về Việt Nam, tôi tin rằng khi các bạn có tham vọng, các bạn sẽ làm được điều mình mong muốn”.
Từ khóa: việt nam, việt nam,Australia,kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: việt nga/vov-australia
Nguồn tin: VOVVN