Việt Nam khẳng định vai trò tích cực, trách nhiệm trên trường quốc tế
Cập nhật: 21/09/2021
Tiền Giang: Giá heo thịt tăng cao, người chăn nuôi phấn khởi đón Tết (20/1/2025)
Xuân no ấm trên bản làng đồng bào Mảng ở Lai Châu (20/1/2025)
(VOV5) -Ngày 21/09, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 tại New York (Mỹ).
Ngày 21/09, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 tại New York (Mỹ). Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tiếp tục tạo ra nhiều thách thức trên toàn cầu, việc lãnh đạo Việt Nam tham gia trực tiếpvàocác hoạt động lớn nhất trong năm của LHQ, đặc biệt là cuộc thảo luận chung tại diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh này,một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam là một đối tác tin cậy, thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 chính thức khai mạc vào sáng 21/9 với sự tham dự trực tiếp của hơn 100 lãnh đạo và quan chức cấp cao của 132 nước. Ảnh: Getty |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao ĐHĐ thể hiện tinh thần trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Tuần lễ cấp cao ĐHĐ tại New York diễn ra đúng thời điểm Việt Nam vừa kỷ niệm 44 năm chính thức gia nhập LHQ (20/9/1977), và còn 3 tháng nữa là hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai đảm đương vai trò ủy viên không thường trực HĐBA. Sự kiện này chính là cơ hội để Việt Nam tiếp tục có những đóng góp thực chất vào các hoạt động của LHQ, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả những thách thức là chủ đề của 3 phiên họp cấp cao mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự, bên cạnh phiên thảo luận chung cấp cao.
Ngày 20/9/1977, Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc.Nguồn: TTXVN |
Đó là phiên về hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, phiên cấp cao về an ninh khí hậu tại HĐBA và phiên thảo luận cấp cao toàn cầu về ứng phó với đại dịch COVID-19. Tất cả những hoạt động này đều nhằm 3 mục tiêu trước mắt là ứng phó với đại dịch COVID-19, giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch, từ đó tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững cho đến năm 2030.
Sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 76 và trao đổi với các lãnh đạo cao nhất của LHQ là minh chứng rõ nét cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở của Việt Nam, coi trọng đối ngoại đa phương và thúc đẩy quan hệ với LHQ là một trong những trọng tâm.
Chủ tịch nước tới Mỹ, bắt đầu tham dự chương trình Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Qua 44 năm tham gia tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất vào hoạt động của LHQ, thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế . Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP 21). Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.
Tiếp tục khẳng định dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế
Dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Trên cương vịỦy viên không thường trực HĐBA 2020-2021, Việt Nam đã phát huy được vai trò, chủ động tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên HĐBA và phát huy “vai trò kép” ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020. Đặc biệt trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam đã tổ chức thành công các sự kiện điểm nhấn, như phiên thảo luận mở về Hiến chương LHQ, Phiên họp về quan hệ hợp tác ASEAN-LHQ (lần đầu tiên trong lịch sử tại HĐBA).
Việt Nam cũng phối hợp tốt với LHQ trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, với việc đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh và đã được ĐHĐ LHQ thông qua.
Với những đóng góp tích cực, thực chất tại các cơ quan của LHQ, Việt Nam đã cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới thông qua Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa LHQ và các tổ chức cũng như các cơ chế đa phương. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự khóa họp 76 ĐHĐ LHQ tiếp tục chuyển đi thông điệp về một Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Liên hợp quốc, Việt nam thành viên LHQ, khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc, HĐBA, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5