Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC
Cập nhật: 27/12/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN -Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao những nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC.
Chiều tối 26/12, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức cuộc họp báo về kết quả kiểm tra lần 2 của Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Tại cuộc họp báo nói trên, bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết: "Từ ngày 5 - 14/11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban Châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU)".
Đến ngày 19/12/2019, Uỷ ban Châu Âu có công thư (MARE B4/SPM Ares (2019) thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam, cụ thể như sau:
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế. |
Đoàn thanh tra EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và cảm ơn sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC. Trong đó, đặc biệt ghi nhận nỗ lực của của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với quốc tế bao gồm sửa Luật Thủy sản, ban hành 02 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; gia nhập và có cách tiếp cận để triển khai Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hiệp quốc.
Cũng theo bà Nhung, Đoàn thanh tra EC ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian Đoàn làm việc tại Việt Nam.
Ngoài ra, Đoàn thanh tra EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng, điều này được thể hiện: Bước đầu đã tiến hành triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật trên thực tế;
Đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước như: Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang đã có sự tiến bộ đáng kể; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả; Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS); đưa ra quy định và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển.
"Việt Nam đã nỗ lực trong công tác quản lý cường lực khai thác thông qua việc đóng băng đội tàu khai thác xa bờ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển", bà Nhung thông tin.
Bên cạnh đó, theo bà Nhung chúng ta vẫn còn tồn tại một số tồn tại, hạn chế: Tiến độ ban hành 2 Nghị định còn chậm so với cam kết, mức xử phạt trong Nghị định số 42/2019/NĐ-CP còn nhẹ so với khu vực; một số thời hạn về đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên rất khó khả thi; Mẫu chứng thư khai thác còn thiếu một số thông tin so với quy định tại của Châu Âu; chưa yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của các lô hàng nhập khẩu để chứng minh nguồn gốc sản phẩm hợp pháp khi xuất sang thị trường Châu Âu.
Việc triển khai Luật Thủy sản và các văn bản còn hạn chế: Chưa triển khai thực hiện kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm thủy theo quy định tại Điều 70, Nghị định 26/2019/NĐ-CP; Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm; Việc giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá chưa được toàn diện còn nhiều lỗi kỹ thuật; Việc xử phạt vi phạm hành chính còn rất hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương đặc biệt là đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; Chưa có bằng chứng chứng minh các cơ quan thẩm quyền Việt Nam đã đảm bảo cơ chế truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chính xác trong nhà máy chế biến…
Cuối cùng thì EC tiếp tục thực hiện cơ chế đối thoại, thông qua cơ chế đối thoại song phương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam trong thời gian tới.
"Tức là đối thoại để tìm ra giải pháp, thẻ vàng tính chất của nó mới chỉ tiền xác định Việt Nam có thể là quốc gia không hợp tác. Có thể ở đây không có nghĩa là đã xác định Việt Nam là quốc gia không hợp tác. Khi đã xác định Việt Nam là quốc gia không hợp tác thì lúc đó mới không có cơ chế đối thoại, còn đây chỉ là có thể để họ tiếp tục làm việc với mình để xác định mình hợp tác hay không hợp tác. Ở đây EC họ không nói là sẽ gỡ thẻ vàng nhưng chúng ta hiểu rằng họ đánh giá cao việc chúng ta đang hợp tác và họ vẫn giữ cơ chế đối thoại hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Sau 6 tháng nữa Đoàn EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra", bà Nhung giải thích.
Theo bà Nhung, thời gian tới, Đoàn EC tiếp tục đưa ra những nhóm khuyến nghị: Khung pháp lý, tập trung vào vấn đề thực thi cho quản lý khai thái. EC mong muốn Việt Nam triển khai có hiệu quả Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Sẽ kiểm tra công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá gồm nhưng công việc như: Kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát chế biến;...
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. |
Nói thêm về nội dung trên, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ: Đây là giai đoạn khó khăn của ngành thủy sản bởi phải chuyển đổi cách quản lý sang hướng công khai và minh bạch.
Cũng theo ông Luân, lượng tàu cá của Việt Nam lớn, trải dài trên 28 tỉnh, thành phố ven biển với hàng triệu ngư dân liên quan đến công việc này. Hoạt động của các tàu cá đôi khi "bắt chéo" giữa các địa phương với nhau, nên để đảm bảo tính chính xác tuyệt đối về thông tin là khó khăn.
"Tôi lấy ví dụ, nhà máy chế biến thì ở Kiên Giang, nhưng tàu khai thác lại ở Vũng Tàu, miền Trung. Đoàn EC họ hỏi sao ở Kiên Giang lại không lấy hàng ở địa phương này mà lại lấy chỗ khác. Khi kiểm tra các giấy tờ của các tàu thì có những giấy tờ đúng, có những giấy tờ qua nhiều khâu, nhiều trung gian nên rất dễ nhầm lẫn. Bây giờ thay đổi cách quản lý từ tự do sang quản lý minh bạch thông tin như hiện nay thì có đại đa số ngư dân đã nhận thức thay đổi, nhưng một số vẫn muốn làm theo cách cũ,..." - ông Luân nêu khó khăn./.
Từ khóa: EC, thẻ vàng thủy sản, Ủy ban châu Âu, IUU
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN