Việt Nam đồng hành cùng các nền kinh tế APEC vượt qua thách thức

Cập nhật: 12/11/2021

(VOV5) -Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các thành viên APEC, các quốc gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế

APEC CEO Summit (Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC) - một hoạt động quan trọng của Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) - diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/11. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khách mời danh dự của hội nghị năm nay, đã đem đến những đề xuất cụ thể, qua đó tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam đồng hành cùng các nền kinh tế APEC và người dân vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế, vì một khu vực châu Á hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng cho mọi người dân.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua những thời khắc khó khăn do dịch bệnh, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là diễn đàn chủ chốt về hợp tác và liên kết kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng

Với tầm nhìn về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường vào năm 2040, các nhà Lãnh đạo đưa ra những định hướng lớn cho hợp tác APEC trong hai thập kỷ sắp tới vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển. 3 ưu tiên chính bao gồm: Chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu, thương mại và đầu tư tự do và mở, tạo thuận lợi cho thương mại và kết nối; Đẩy mạnh bền vững và bao trùm, thúc đẩy phục hồi bao trùm và bền vững, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương; Thúc đẩy sáng tạo và số hóa, công nghệ xanh.

Việt Nam đồng hành cùng các nền kinh tế APEC vượt qua thách thức - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đối thoại thường niên giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng kinh doanh APEC (ABAC) được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, APEC đã sớm thúc đẩy triển khai nhiều biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác, tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính để vượt qua khủng hoảng; hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam đề xuất các định hướng thúc đẩy kinh doanh bền vững APEC

Đồng hành với APEC 20 năm qua, Việt Nam luôn là nền kinh tế trách nhiệm hàng đầu trong thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác cũng như đóng góp cho các chương trình nghị sự của APEC. Năm 2021, Việt Nam là nước chủ chốt xây dựng Tầm nhìn APEC 2040 và đang tích cực tham gia xây dựng Kế hoạch triển khai hiệu quả tầm nhìn này. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế đi đầu kêu gọi tiếp cận công bằng vaccine. Đặc biệt, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể trong hợp tác APEC ứng phó biến đổi khí hậu. Phát biểu tại APEC CEO Summit, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Hướng tới tầm nhìn APEC 2040, các nhà lãnh đạo APEC đang đoàn kết, vượt qua mọi khác biệt, đi đầu dẫn dắt các nỗ lực hợp tác nhanh hơn, mạnh hơn để vượt qua những thách thức, rủi ro, gìn giữ môi trường sống, phát triển bền vững. Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của tất cả các nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực hợp tác sáng tạo hiệu quả, tăng cường hỗ trợ nguồn lực, công nghệ mới và nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển.

Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước đã đưa ra 3 đề xuất với cộng đồng doanh các doanh nghiệp APEC. Đó là mỗi doanh nghiệp nên có kế hoạch và lộ trình cắt giảm khí thải theo tiêu chuẩn quốc gia; Đầu tư cho tương lai khi hướng vào các dự án năng lượng sạch, phát triển công nghệ mới và APEC nên xây dựng "Bộ hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh bền vững APEC", với trọng tâm là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân Việt Nam hiểu rõ nguy cơ và cơ hội đan xen, đồng thời cam kết hành động quyết liệt để chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu. Trong quá trình này, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các thành viên APEC, các quốc gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế: Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam cũng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xanh, đổi mới và sáng tạo, các khu công nghiệp sinh thái... Những chính sách mạnh mẽ của Việt Nam cùng thị trường 100 triệu dân và 14 hiệp định thương mại tự do đã tham gia sẽ là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam để cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững.

Trong giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay, Việt Nam cho rằng đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dám mạnh mẽ tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh doanh bền vững, bao trùm. Là một nền kinh tế thành viên APEC, Việt Nam luôn khẳng định cam kết chung tay thực hiện lộ trình cắt giảm khí thải, tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ mới và hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng xanh, đồng hành cùng các nền kinh tế APEC và người dân vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế, vì một khu vực châu Á hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, nền kinh tế APEC, cam kết, cắt giảm khí thải, biến đổi khí hậu, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập