Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số hiện đại
Cập nhật: 15/11/2024
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Ngày 14/11, tại Bình Dương, Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II đã diễn ra với sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và nhiều lãnh đạo cấp cao.
Diễn đàn tập trung thảo luận về chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình làm việc sẽ giúp tăng đáng kể năng suất lao động. Bộ trưởng ví dụ, nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc thì năng suất lao động Việt Nam chắc chắn sẽ tăng.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch và logistics. Các đại biểu đã cùng nhau tìm ra những giải pháp cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc giải quyết những thách thức mà đất nước đang đối mặt, như cạn kiệt tài nguyên và già hóa dân số.
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình chuyển đổi số. So với năm 2023, Việt Nam đã tăng 15 bậc trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, 2 bậc trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 8 bậc trong chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu.
Doanh thu từ thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những thành công, vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, an ninh mạng chưa được đảm bảo.
Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cần tăng cường nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là các luật liên quan đến giao dịch điện tử, dữ liệu và bảo vệ thông tin cá nhân. Đồng thời, cần phát triển công nghệ số chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Việc tích hợp các công nghệ này vào các hệ thống thông tin sẽ giúp phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ "Made in Vietnam" sẽ không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mà còn góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Để đạt được mục tiêu này, cần huy động nguồn lực, khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình bày tỏ mong muốn: "Thông qua diễn đàn, các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và đại diện bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp nhận được nhiều bài học. Từ đó lan tỏa khát vọng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số của quốc gia, thúc đẩy tích cực hơn cho sự nghiệp chung của đất nước. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cơ quan, người dân và doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số với phương châm “Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn - Chất lượng hơn - Thiết thực hơn".
Ngoài phiên toàn thể, diễn đàn òn có 3 phiên chuyên đề: Về thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; về ứng dụng công nghệ số - lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; về sáng tạo số, AI và dịch vụ.
Từ khóa: số , chuyển đổi số, Bình Dương, AI, công nghiệp, ứng dụng, công nghệ số,chế tạo, sáng tạo
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thiên lý/vov - tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN