Việt Nam dần từng bước sống chung với dịch COVID-19
Cập nhật: 24/09/2021
Tiền Giang: Giá heo thịt tăng cao, người chăn nuôi phấn khởi đón Tết (20/1/2025)
Xuân no ấm trên bản làng đồng bào Mảng ở Lai Châu (20/1/2025)
(VOV5) - Cách tiếp cận của Việt Nam vẫn theo phương châm 5K + vaccine + công nghệ.
Việt Nam đang dần từng bước hướng tới mục tiêu sống chung an toàn với COVID-19. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất, tăng cường năng lực đáp ứng y tế theo phương châm “4 tại chỗ”, các bộ, ngành, doanh nghiệp đều đang cố gắng xây dựng kịch bản quay trở lại sản xuất kinh doanh, vực dậy sau đại dịch.
Thích ứng và linh hoạt
Trên thế giới, nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm sống chung, thích ứng với dịch bệnh, và vaccine, thuốc điều trị được nhận định là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nỗ lực hướng tới sống chung với COVID-19 như một "căn bệnh theo mùa", áp dụng các biện pháp giảm lây lan mà không phải quay lại tình trạng phong tỏa. Điều này là tất yếu, bởi thực tế, không thể khống chế tuyệt đối dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh:baoquocte.vn |
Do vậy, cách tiếp cận của Việt Nam vẫn theo phương châm 5K + vaccine + công nghệ. Đồng thời dần điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn mới trên tinh thần “dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy”. Cụ thể, những tỉnh đang kiểm soát được dịch bệnh sẽ tiếp tục nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả. Cùng với đó, dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới, có những điều chỉnh tích cực để hình thành các mô hình chung sống an toàn, như giáo dục an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn…
Ưu tiên mở cửa những lĩnh vực, ngành nghề trụ cột
Đến thời điểm này phải thẳng thắn nhìn nhận, không thể 100% doanh nghiệp có thể quay trở lại được, cũng như không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hoạt động với năng lực sản xuất như trước. Do đó, cần ưu tiên vực dậy cho những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế, có vai trò đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc gia.
Xác định đại dịch COVID-19 còn diễn biến trong thời gian dài, ngành nông nghiệp đang từng bước xây dựng mô hình tiêu thụ nông thụ nông sản "sống chung với dịch".Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết:Bộ sẽ xây dựng kho dữ liệu cập nhật thường xuyên cho hệ thống phân phối để biết rằng ở tỉnh nào đó sẽ chuẩn bị thu hoạch sản phẩm gì, lượng thế nào để các hệ thống phân phối cũng có tính chủ động về kho bãi, vận chuyển…Chúng ta cũng sẽ xây dựng phương thức vận chuyển từ vườn tới hệ thống phân phối.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh:danviet.vn |
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, Bộ công thương cũng đang chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, Bộ Công Thương đã rà soát, phân tích, đánh giá dung lượng thị trường tiềm năng đối với 9 nhóm/mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trên 14 khu vực/thị trường xuất khẩu trọng điểm, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các khu vực thị trường là đối tác của Việt Nam trong các FTA:Trên cơ sở rà soát đó, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương căn cứ những phân tích, đánh giá về tiềm năng, triển vọng thị trường xuất khẩu thì giao nhiệm vụ cho các Sở/Ban/Ngành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương tổ chức lại sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu trên địa bàn để khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu thời gian tới. Cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện từ cuối năm 2021 Kế hoạch Xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19 đảm bảo thế chủ động.
Theo các chuyên gia kinh tế, các chuỗi giá trị, trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế phải được ưu tiên. Ngoài ra, cần có những chính sách hỗ trợ chung như giãn, hoãn, giảm các khoản thuế, phí. Từng doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch trước mắt, lâu dài để tái khởi động một cách phù hợp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng các doanh nghiệp phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch:Sớm muộn dịch sẽ được khống chế, chúng ta phải quay lại cuộc sống. Chúng ta phải chuẩn bị với tinh thần và hành trang, trong khó khăn cũng nhìn thấy nhiều cơ hội về thị trường. Hiện nay, các thị trường có nhu cầu rất lớn với hàng hóa Việt Nam đã kiểm soát và phục hồi sản xuất như Hoa kỳ, các nước Liên minh Châu Âu. Phải thấy các cơ hội thời gian tới và đặc biệt phải chuẩn bị tâm thế để phục hồi căn cơ bài bản và khả thi. Đây cũng là cơ hội đổi mới lại cách quản lý, quản trị của từng doanh nghiệp. Về lâu dài không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch để phát triển.
Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 22/9, tổ chức này vẫn đưa ra những đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới./.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, chính sách, khôi phục sản xuất, sống chung với dịch
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5