Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị năm 2019
Cập nhật: 25/09/2019
Nhật Bản tiếp tục chịu thiệt hai do mùa đông khắc nghiệt
EU phản ứng trước “tối hậu thư” của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
VOV.VN -Việt Nam sẽ nỗ lực tham gia tích cực, có trách nhiệm vào công việc của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này Giải trừ quân bị.
Ngày 25/6, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng đã chủ trì phiên họp toàn thể chính thức đầu tiên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch CD (từ 24-28/6/2019 và từ 29/7-18/8/2019).
Ngày 25/6, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng đã chủ trì phiên họp toàn thể chính thức đầu tiên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch. |
Tham dự phiên họp có Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneve kiêm Tổng Thư ký CD Michael Moller, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và đông đảo đại diện các quốc gia thành viên và quan sát viên của CD.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Đại sứ Dương Chí Dũng đã bày tỏ niềm vinh dự của Việt Nam khi lần thứ hai đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị - diễn đàn đa phương duy nhất trên thế giới thương lượng về vấn đề giải trừ quân bị, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế đa phương để giải quyết những thách thức chung ngày càng phức tạp đối với tình hình hòa bình và an ninh quốc tế, khẳng định Việt Nam nỗ lực tham gia tích cực, có trách nhiệm vào công việc của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này.
Các thành viên tham gia. |
Đại sứ đã nêu bật những đóng góp của Việt Nam tại nhiệm kỳ đầu tiên làm Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị năm 2009, và nhấn mạnh cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa được các nước tin tưởng làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Nhằm thúc đẩy công việc của CD, Đại sứ Dương Chí Dũng chia sẻ những ưu tiên và nỗ lực của Việt Nam khi đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên, đặc biệt là việc tiến hành đồng thời các cuộc tham vấn thực chất và toàn diện với các nước thành viên, các Chủ tịch CD của năm 2019, các điều phối viên và Ban Thư ký nhằm hiểu rõ quan tâm của tất cả các bên, từ đó tìm ra giải pháp cho những bế tắc hiện nay, cũng như tổ chức các phiên họp toàn thể với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực giải trừ quân bị để thảo luận thực chất các vấn đề trong Chương trình nghị sự của Hội nghị.
Đại sứ bày tỏ hy vọng rằng các quốc gia thành viên sẽ cùng thể hiện thiện chí hợp tác, đóng góp để thúc đẩy Hội nghị có thể đạt được một kết quả tích cực từ này cho đến cuối năm 2019.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể chính thức đầu tiên của Hội nghị Giải trừ quân bị. |
Nhằm tăng cường sự hợp tác và phát huy vai trò của các tổ chức khu vực trong vấn đề giải trừ quân bị, lần đầu tiên trong lịch sử CD và theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị đã mời Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đến tham dự và phát biểu. Tổng Thư ký ASEAN chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị và trúng cử vào vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tái khẳng định cam kết của ASEAN trong các nỗ lực giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tổng Thư ký ASEAN giới thiệu những nội dung chính của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), trong đó có các nguyên tắc và mục đích của SEANWFZ về giải trừ quân bị, chống phổ biến, đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân, chống khủng bố hạt nhân, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với đời sống con người... Tổng Thư ký ASEAN kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả SEANWFZ.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Hội nghị Giải trừ quân bị Michael Moller nhấn mạnh CD cũng như các quốc gia thành viên cần nỗ lực giải quyết những mâu thuẫn cố hữu và những vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến, tiếp tục thể hiện thiện chí hợp tác, tôn trọng các tiến trình đa phương và có cách tiếp cận mới, trong đó có việc tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và giới học giả, qua đó giúp Hội nghị khẳng định vai trò trung tâm trong lĩnh vực giải trừ quân bị, tìm ra giải pháp thúc đẩy và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trong phần thảo luận, các nước đều bày tỏ kỳ vọng vào nhiệm kỳ Chủ tịch CD của Việt Nam, khẳng định ủng hộ các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam và sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy công việc của Hội nghị. Các quốc gia hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam về việc mời Tổng Thư ký ASEAN tới dự và phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao vai trò và đóng góp của các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN trong lĩnh vực giải trừ quân bị nói riêng và việc duy trì, bảo đảm hoà bình, an ninh quốc tế nói chung.
Phát biểu thay mặt Liên minh châu Âu (EU), Rumania khẳng định ủng hộ ASEAN giữ vai trò trung tâm trong việc duy trì hoà bình, an ninh ở khu vực, ngăn ngừa xung đột và tham gia tích cực trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên. Australia hoan nghênh việc kết nối các sáng kiến khu vực với các thể chế đa phương toàn cầu trong lĩnh vực giải trừ quân bị, khẳng định CD có thể học hỏi kinh nghiệm từ ASEAN trong việc đạt được đồng thuận và vượt qua các khác biệt.
Theo quy định của CD, vị trí Chủ tịch được luân phiên giữa các nước thành viên. Trong năm 2019, Việt Nam cùng với Ukraine, Vương quốc Anh, Mỹ, Venezuela và Zimbabwe đảm nhiệm vị trí quan trọng này./.
Từ khóa: Phái đoàn Việt Nam, Geneva, đại sứ Dương Chí Dũng, Giải trừ quân bị năm 2019, cộng đồng quốc tế,
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN