Việt Nam còn rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa

Cập nhật: 31/03/2021

VOV.VN - Việt Nam còn rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại.

Đây là khuyến cáo được chuyên gia đưa ra tại hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021: “Ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức sáng nay (31/3).

Đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ ngày 23/1/2020 đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế, đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và khó khăn to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt 2,91% - đây là mức thấp nhất trong gần 2 thập niên gần đây. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực trượt dài trong tăng trưởng âm. Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Mặc dù Chính phủ đã có hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, mặc dù độ bao phủ của các giải pháp cũng như hiệu quả của một số giải pháp còn chưa cao, nhưng nền kinh tế cũng đã có những hỗ trợ “hồi sức” cần thiết để duy trì và thích ứng với giai đoạn mới.

Theo nhóm các chuyên gia của trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2021 mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% theo kế hoạch của Chính phủ là rất khó khăn trong bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 còn rất khó lường. Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2021, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn tại Việt Nam, nhiều địa phương trong giai đoạn giãn cách, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn chưa thể trở về trạng thái bình thường.

PGS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn tiếp tục đến từ khu vực kinh tế đối ngoại. Sản xuất và xuất khẩu của khu vực FDI đóng vai trò quan trọng đến tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn và các ngành dịch vụ khó có cơ hội tăng trưởng cao do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế đối ngoại còn phụ thuốc nhiều vào cú sốc từ bên ngoài và khả năng hồi phực còn bất định của kinh tế thế giới.

“Đầu tư công cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng 2021, bù đắp cho đầu tư khu vực ngoài nhà nước khó khăn do đại dịch, đảm bảo tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư trong nhiều năm qua. Tuy vậy, dư đại tài khóa không còn nhiều, nên khả năng mở rộng mạnh mẽ đầu tư công để tăng trưởng sẽ khó có thể kéo dài”, PGS.TS. Tô Trung Thành nhận định.

Theo các chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới, mà sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

“Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế”, PGS.TS. Tô Trung Thành lo ngại.

Lạm phát năm 2021 được dự báo sẽ đạt được mục tiêu dưới 4% do thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng còn khó khăn. Trong khi đó, giá dầu và các hàng hóa cơ bản trên thế giới dự báo có mức tăng thấp; ổn định giá trị VND so với USD cũng giúp hạn chế được lạm phát nhập khẩu. Tuy nhiên, mức lạm phát có thể cao hơn năm 2020 do sự lên giá của bất động sản và chứng khoán năm 2020 làm tăng tài sản của những nhà đầu tư, đồng thời các dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm 2020, lan tỏa đến tăng giá cả tiêu dùng. Bên cạnh đó, lộ trình tăng giá cảu các mặt hàng quản lý của Nhà nước có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021 sau khi bị trì hoàn trong năm 2020.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, Việt Nam còn rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Đồng thời, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết.

“Thời gian qua, tỷ lệ cung tiền của Việt Nam so với GDP đang rất cao, làm cho không gian chính sách rất hạn hẹp, dòng tiền không đi vào khu vực sản xuất mà tập trung rất nhiều vào lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt như vàng, chứng khoán, bất động sản... cũng làm hạn chế sự tăng trưởng kinh tế. Do đó, muốn tăng trưởng trong dài hạn điều quan trọng là phải huy động được nguồn lực trong dân và giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định thì mới giữ được các nguồn lực của nền kinh tế”, PGS. TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh./.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, GDP 2021, chính sách tài khóa, dịch Covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập