Việt Nam có tận dụng được “mỏ vàng” thời đại số với trí tuệ nhân tạo?
Cập nhật: 06/02/2020
Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?
Tiền thưởng Tết 2025 sẽ tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
VOV.VN - Trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là một trong những hướng đi mới nhiều tiềm năng cho nhân lực ngành công nghệ thông tin.
Được ví là mỏ vàng của thời đại số, công nghệ thông tin (CNTT) đang tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nền kinh tế. Không có một ngành công nghiệp hay lĩnh vực đời sống nào mà lại không cần đến sự hỗ trợ của CNTT.
Với sự phát triển như vũ bão, CNTT đã nhanh chóng trở thành ngành nghề luôn “khát” nhân lực với vô vàn cơ hội việc làm sáng giá. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những hướng đi mới nhiều tiềm năng.
Trí tuệ nhân tạo ngày càng phủ sóng rộng trong cuộc sống hàng ngày. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong vài năm gần đây, AI đang phủ sóng hầu hết các lĩnh vực trong đời sống. Từ những ứng dụng như Siri, Google Assistant đang sử dụng hàng ngày trên chiếc smartphone thông minh đến tư vấn tự động chatbot… chính là sản phẩm của AI. AI còn được ứng dụng trong mô hình Scan & Go của một số ví điện tử giúp việc đi chợ nhanh gọn thông minh hơn…
Ngay cả việc mở Netflix, lựa chọn bộ phim được gợi ý, mở Spotify và bật bản nhạc “dành riêng cho bạn” hay đơn thuần là tag bạn bè trên các mạng xã hội Facebook, Zalo… cũng đều là những ứng dụng của AI.
Rõ ràng, AI xuất hiện khá phổ biến trong cuộc sống mà không nhiều người để ý. Hiện, ngày càng có nhiều công ty quyết định tích hợp AI để nâng cao lợi nhuận, tham gia vào công cuộc chuyển đổi số để bộ máy vận hành trở nên tinh gọn hơn.
Theo TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội, xu hướng số hoá này đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực AI. Ngành CNTT trong những năm vừa qua đã mang đến những ngành nghề quen thuộc như lập trình viên phần mềm, phân tích dữ liệu, quản trị mạng…
“Trong CMCN 4.0, ngành CNTT không còn là phát triển công nghệ đơn thuần, mà còn phải tạo ra những giải pháp đột phá trong mọi lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ nano, năng lượng, công nghệ vật liệu, tính toán lượng tử hay thậm chí là các lĩnh vực đời thường như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng... Và dù ứng dụng trong lĩnh vực nào, sự có mặt của AI đang trở thành lẽ tất yếu”, TS Ngô Tự Lập cho hay.
Trước kia, CNTT thường được gắn liền với những ngành nghề như khoa học máy tính, phát triển phần mềm, nghiên cứu phân tích dữ liệu… Trong khi đó, AI lại thường bị coi là một khái niệm xa vời, ít có cơ hội phát triển và thậm chí ít liên quan đến CNTT. Tuy nhiên, hướng đi này đang được xem là cơ hội phát triển mà không phải bất kì sinh viên nào đang theo học cũng nhận ra và nắm bắt.
Câu chuyện về 12 sinh viên, cử nhân đại học Bách Khoa làm về AI được SmartGrid đề nghị mức lương 6.000 USD/tháng sau khi ra trường, cho thấy tiềm năng và sức hút mạnh mẽ của ngành AI.
Theo số liệu của TechRepublic, từ tháng 6/2015 - 6/2018, số lượng công việc liên quan đến AI và Học máy (Machine Learning) tăng gần 100%. Sinh viên theo học về AI có cơ hội để phát triển và trở thành kỹ sư học máy, kỹ sư thị giác máy tính, kỹ sư thuật toán và rất nhiều công việc khác đòi hỏi chuyên môn cao. Bên cạnh đó, các ngành nghề liên quan đến khoa học dữ liệu như nhân viên số liệu, kỹ sư dữ liệu… cũng mang đến mức lương đáng mơ ước.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc điều hành VietAI (Tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt) cho biết: “Mảng AI đang vô cùng khan hiếm nhân lực. Chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng về người có khả năng làm việc về AI, nhưng rõ ràng trên thực tế cầu nhiều hơn cung. Giữa đào tạo và tuyển dụng đang có độ chênh lớn”.
Theo ông Tú, kỹ sư AI, người phát triển sản phẩm AI có mức lương trung bình 1.200 - 1.500 USD/tháng, kỹ sư thực hiện về AI lương 2.500 - 4.000 USD/tháng và chuyên gia nghiên cứu về AI lương từ 4.000 - 6.000 USD/tháng./. Xây dựng chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp trí tuệ nhân tạo AI
Từ khóa: trí tuệ nhân tạo, số hóa, công nghệ thông tin, ngành CNTT
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN