Việt Nam chính thức hoàn thành đề án số hóa truyền hình
Cập nhật: 17/01/2021
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
Các địa phương miền Bắc khẩn trương các biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi (29/11/2024)
[VOV2] - Việt Nam đứng thứ 5/10 nước ASEAN về hoàn thành số hóa truyền hình, đứng thứ 78/193 nước hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất.
Trải qua 9 năm, đến nay, đề án số hóa truyền hình đã đạt và vượt tất cả các mục tiêu đề ra ban đầu, thực hiện theo cam kết của toàn khối ASEAN là tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất vào năm 2020.
Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DVB-T2 thay vì dùng công nghệ DVB-T. Đây cũng chính là điểm đột phá lớn nhất của nước ta trong quá trình số hóa truyền hình. DVB-T2 là công nghệ sử dụng kỹ thuật điều chế và mã hóa tín hiệu ưu việt hơn nên hiệu quả sử dụng tần số tăng gấp 1,5 lần so với công nghệ DVB-T và có khả năng chống nhiễu tốt hơn. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đã chủ động để có nghiên cứu và đưa vào thực tiễn những thiết bị do Việt Nam sản xuất nên đạt kết quả khả quan khi ứng dụng công nghệ mới này. Chúng ta đã hỗ trợ đầu thu số cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia từ năm 2015 đến 2020 là khoảng 1,9 triệu hộ.
Đến thời điểm này, vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất đã đạt 80% dân cư, vượt 10 điểm % so với mục tiêu đề ra. Nếu tính cả phủ sóng truyền hình số vệ tinh thì 100% dân cư đã được xem truyền hình số. Trước đây, với truyền hình tương tự mặt đất thì 01 kênh tần số chỉ có thể phát sóng 01 kênh chương trình truyền hình thì nay cũng kênh đó có thể phát sóng tới 30 chương trình tuyền hình. Tại nhiều địa phương trên cả nước, người dân đã có thể thu xem từ 40-60 kênh chương trình SDTV và hơn 10 kênh chương trình HDTV, trong đó có 7 kênh thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội
Trong giai đoạn số hóa truyền hình, bằng cách làm phù hợp với tình hình trong nước, lộ trình số hóa được chia làm 4 giai đoạn với 4 nhóm tỉnh thành phố. Các địa phương có thu nhập cao chuyển đổi trước đến các địa phương có thu nhập trung bình và cuối cùng mới đến nhóm khu vực có thu nhập thấp. Cách làm này giúp cho người dân thích ứng với việc chuyển đổi hình thức này như phân tích của Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Hà Yên.
Bằng cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện trong nước khi sử dụng Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích thay cho ngân sách để thúc đẩy số hóa truyền hình, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra. Cả nước đã có 16 triệu hộ gia đình xêm truyền hình số qua các phương thức cáp, Internet và hơn 3,2 triệu hộ sử dụng truyền hình vệ tinh miễn phí.
Từ khóa: số hóa truyền hình, vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, công nghệ DVB-T2, tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất.
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2