Việt Nam chi 1 tỷ USD nhập khẩu gạo - bình thường hay bất thường?
Cập nhật: 27/10/2024
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, năm 2024 Việt Nam có thể xuất khẩu 8,6 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, Việt Nam là nước nhập khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới với 2,9 triệu tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, năm 2024 Việt Nam có thể xuất khẩu lượng gạo kỷ lục là 8,6 triệu tấn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới với 2,9 triệu tấn, chỉ sau Indonesia và Philippines. Trước đó, theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua cả tổng kim ngạch nhập khẩu của năm 2023.
Các DN trong lĩnh vực chế biến cho biết, nguyên nhân doanh nghiệp phải nhập khẩu gạo về Việt Nam là do những năm gần đây xu hướng trồng lúa đã thay đổi, nông dân chuyển sang trồng lúa chất lượng cao để xuất khẩu, giá bán cao. Trung bình hiện nay, giá xuất khẩu của loại gạo này là 624 USD/tấn (tính chung 9 tháng năm 2024 là tăng 13% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, gạo nhập khẩu về chủ yếu dùng loại gạo tấm có giá rẻ của Ấn Độ dùng để làm bánh, bún, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi… Ngoài thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp Việt còn nhập khẩu gạo từ Myanmar, Pakistan và Campuchia với giá thấp hơn so với gạo trong nước. Hiện giá gạo nhập khẩu về Việt Nam có mức giá dao động 480 - 500 USD/tấn. Điều này khiến các DN chọn nhập loại gạo phù hợp với nhu cầu để giảm chi phí đầu vào.
Các DN kinh doanh ngành hàng lúa gạo cho rằng, việc nhập khẩu gạo phục vụ chế biến là điều dễ hiểu trong hoạt động thương mại. Gạo nhập khẩu không chỉ bù đắp khoảng trống trong phân khúc gạo thấp cấp mà còn có giá rẻ, đảm bảo lợi nhuận cho DN. Thế nên, việc nhập khẩu gạo không ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo mà còn giúp giá và kim ngạch gạo Việt Nam ổn định hơn.
Ngoài ra, nguồn cung gạo trong nước hiện không còn nhiều, một số DN xuất khẩu phải tăng nhập lúa gạo từ các nước láng giềng để trả đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm. Sản lượng lúa vụ Hè Thu giảm, trong khi vụ thu đông vốn có sản lượng thấp nhất trong năm sẽ không bù đắp được. Việc mất mùa ở miền Bắc khiến 300.000ha lúa bị ảnh hưởng càng làm nguồn cung tiếp tục giảm, buộc DN nhập khẩu nhiều hơn để cân đối nhu cầu cũng là nguyên nhân khiến lượng gạo được nhập về Việt Nam lớn trong năm nay.
Chuyên gia của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, nhu cầu gạo cấp thấp trong nước ngày càng lớn, trong khi Việt Nam đang theo đuổi chương trình cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng tăng diện tích các giống lúa chất lượng cao nên việc tìm nguồn hàng mới cũng là điều dễ hiểu.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định, nhập khẩu gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Việt Nam vẫn xuất khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm và nhập khẩu gạo giá rẻ lên tới cả triệu tấn để đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường.
Việt Nam nhập khẩu gạo phục vụ chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi ngày càng lớn, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế đã phục hồi, đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là, các cơ quan chức năng cần tiếp tục theo dõi và giám sát chặt việc nhập khẩu gạo, nhất là nguồn gốc xuất xứ của gạo được nhập khẩu để không ảnh hưởng đến gạo Việt xuất khẩu trên thị trường.
Theo Bộ NN&PTNT, việc kim ngạch nhập khẩu gạo tăng cao kỷ lục cho thấy nhu cầu đầu tư sản xuất của DN chế biến là rất lớn. DN xuất khẩu loại gạo ngon và nhập về loại gạo rẻ, điều đó cũng là bình thường.
Từ khóa: nhập khẩu gạo, nhập khẩu gạo,gạo giá rẻ, cân đối, cung cầu,dự báo
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: theo cung nguyễn/vtv.vn
Nguồn tin: VOVVN