“Việt Nam cần dùng sức mạnh mềm để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”
Cập nhật: 24/04/2020
Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn tri ân quê hương Nghệ An qua phim ca nhạc "Miền nhớ"
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
VOV.VN - Chuyên gia Nga về Việt Nam cho rằng, trước sự chèn ép từ phía Trung Quốc, Việt Nam cần dùng sức mạnh mềm để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc mới đâyngang nhiên công bố cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”, thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đang gây ra sự quan ngại lớn đối với giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam và các nước trong khu vực phải liên kết các nỗ lực để phản đối Trung Quốc.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên VOV thường trú tại LB Nga phỏng vấn nhà khoa học chính trị Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg.
GS.TSKH V. Kolotov tại một cuộc hội thảo. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
PV:Thưa ông, là chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông trong suốt nhiều năm qua, ông có suy nghĩ gì trước các tuyên bố mới đây của Trung Quốc về thành lập 2 đơn vị quản lý hành chính đối với các quần đảo Hoàng sa và Trường sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam?
Chuyên gia Kolotov: Tôi nghĩ là trong trường hợp này Trung Quốc dùng kế sách truyền thống của mình, được gọilà “dương đông kích tây”. Trung Quốc lợi dụng tình hình khi các đối thủ địa chính đang tập trung chống đại dịch Covid-19 ở nước của họ, để đẩy mạnh chính sách của mình ở khu vực này.
Trước đây tôi đã từng trao đổi với các đồng nghiệp về vấn đề này, nghĩa là, nếu như các nước phương Tây, cụ thể là cộng đồng châu Âu và Mỹ bị sa lầy trong các vấn đề nội bộ của họ, bị phân tán sức lực, không thể can thiệp vào câu chuyện ở Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ tìm thế chủ động và tiến nhanh hơn. Và bây giờ chúng tôi thấy mọi việc diễn ra đúng như vậy.
PV:Theo ông, hành động của Trung Quốc gây ra hậu quả gì đối với các nước Đông Nam Á và thế giới nói chung?
Chuyên gia Kolotov: Hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở khu vực Đông-Nam Á. Trung Quốc cậy thế nước lớn, chèn ép các nước nhỏ. Nhưng như thế là Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Các nước trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei...đương nhiên sẽ không chấp nhận, sẽ tìm cách để bảo vệ quyền lợi của mình. Do vậy, tất cả các nước, kể cả Trung Quốc đều bị thiệt hại, an ninh trong khu vực không được đảm bảo.
PV: Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần làm gì để phản đối các hành động sai trái của Trung Quốc, thưa ông?
Chuyên gia Kolotov: Theo tôi, các nước trong khu vực phải hợp sức cùng với nhau để truyền bá thông tin về tình hình thực tế ở Biển Đông cho cộng đồng quốc tế nắm được.Việt Nam có các hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp. Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch của ASEAN, đây là những điều kiện thuận lợi để hành động tích cực hơn trong việc cung cấp thông tin ngoại giao cả ở trong và ngoài nước.
Đồng thời, Việt Nam có thể sử dụng các tổ chức phi chính phủ, ví dụ như Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị của Việt Nam là một tổ chức rất uy tín ở Việt Nam và có đối tác ở khắp thế giới. Họ có thể tích cực giới thiệu về chủ trương, đường lối của Việt Nam. Đây là những cách đúng đắn, cho thấy Việt Nam là một bên có trách nhiệm, đề xuất giải quyết các vấn đề ở Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!/.
Từ khóa: Biển Đông, Kolotov, đối sách của Việt Nam, ý đồ Trung Quốc, độc chiếm
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN