Việt Nam: 3 người học đại học mới có 1 người học cao đẳng

Cập nhật: 28/05/2022

[VOV2] - Nhiều chỉ số cho thấy, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, chỉ số xếp hạng nhân lực của Việt Nam đang ở mức thấp trong khu vực. Trong khi đó, cơ cấu nhân lực có độ vênh tạo ra tình trạng thiếu hụt nhân lực tham gia lao động trực tiếp.

Sáng 27/5, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội) tổ chức hội nghị Triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.

Mất cân đối cơ cấu nhân lực

Báo cáo về công tác tuyển sinh gắn với việc làm, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025 đến 2030 lao động qua đào tạo khoảng 70%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ khoảng 30%. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê từ 2021 đến hết quý 2/2022 chỉ số lao động qua đào tạo gần như không tăng, giữ ở mức 26.1%.

Trong khi đó cơ cấu nhân lực của chúng ta cũng bị đánh giá là đang mất cân đối. Các nước trong khu vực 1 người tốt nghiệp ĐH thì có 3 người tốt nghiệp CĐ,  5 người tốt nghiệp Trung cấp. Còn ở Việt Nam, 1 người học ĐH trở lên thì có thì 0.35 người học CĐ, 0.65 người học trung cấp và 0.4 người học sơ cấp. Tính ra, 3 người học ĐH mới có 1 người học CĐ. Tỷ lệ bị vênh nên nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất đang bị thiếu.

“Vấn đề thu hút FDI hầu như doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyển hướng. Đầu tiên chúng ta nghĩ họ đầu tư nhiều vào Việt Nam nhưng sau đó họ sang các nước khác nhiều hơn như Ấn độ. Rõ ràng, năng lực cạnh tranh và nhân lực có kỹ năng tham gia sản xuất trực tiếp của chúng ta đang rất yếu”, ông Độ khẳng định.

Thông tin tại Hội nghị, bà Khương Thị Nhàn, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. 

Bản thân hệ thống Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 10 năm từ 2011-2020  tuyển sinh gần 20 triệu lượt nhưng trong số đó số học Trung cấp, CĐ chỉ chiếm gần 20%, còn lại 80% là sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Do đó, cơ cấu tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp cũng đang bị lệch.

Chiến lược nâng dần tỷ lệ học trung cấp, CĐ gặp khó khăn, đặc biệt tuyển sinh lực lượng tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống Giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Độ, giải pháp cho tuyển sinh trong giai đoạn tới là tiếp tục tăng cường hệ thống tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số, các app tuyển sinh, tổ chức đào tạo, phê duyệt chương trình tổ chức đào tạo, chuyển đổi số, gắn kết doanh nghiệp trong tuyển sinh tổ chức đào tạo, có thể tuyển sinh gắn với việc làm, thị trường lao động...

Bài toán thu hút người học

Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Một trong những chỉ tiêu chủ yếu là thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Về chỉ tiêu này, ông Vũ Quang Trực, Phó giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đánh giá, công tác tuyển sinh, phân luồng đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề, đến năm 2030 còn cao hơn với 50-55% học sinh học nghề. Đây là chỉ tiêu khó khăn và không dễ thực hiện.

“Bởi vì chỉ tiêu theo quyết định 522 thực hiện nhiều địa phương đã “thủng” rồi”. Ông Trực đề nghị cần có cách thức để Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương để triển khai, nâng tỷ lệ HS đi học nghề.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương – Giám đốc Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội Thái Nguyên cho biết, tỉnh có 31 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp. Đóng trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên nhu cầu nhân lực rất lớn, trung bình có 100.000-130.000 lao động.

Tuy nhiên, bà Hương nhìn nhận yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao có khó khăn khi cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được do đầu tư đã lâu trong khi nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay đang cần tiếp cận trang thiết bị hiện đại công nghệ mới. Trong khi đó, nguồn lực dành cho các cơ sở GDNN không có nhiều, mỗi năm bố trí được 20 tỷ cho đào tạo, trang bị cơ sở  vật chất.

“Chúng tôi mong rằng trong các văn bản, thông tư hướng dẫn, đề nghị có nguồn lực ưu tiên đối ứng của địa phương để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cũng như mua sắm trang thiết bị để từng bước hiện đại hóa cơ sở thực hành cho học sinh”, bà Hương đề xuất.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị UBND các tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược chi tiết. Hiện, mới có 8/63 tỉnh có kế hoạch gửi về tổng cục.

Về công tác tuyển sinh phân luồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh “chúng ta nói 16-19% sau THCS học nghề, gần 30% sau THPT mà chưa đạt được năm 2022”. Ông khẳng định các địa phương đã nỗ lực trong công tác truyền thông nhưng làm thế nào tác động được vào học sinh THCS, THPT, có nghĩa là phải tác động vào các trường THPT kèm với các chính sách rà soát để có chính sách hỗ trợ kịp thời ít nhất trong giai đoạn này”.

Ông Bình cũng nhấn mạnh nhiều giải pháp quan trọng trong đó có truyền thông, chiến lược chuyển đổi số, dữ liệu, học liệu và nền tảng dùng chung, thay đổi phương pháp, thay đổi chương trình và cơ sở vật chất... Đồng thời nhấn mạnh “giải pháp có rồi cần triển khai ngay”./.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 67 trong tổng số 141 nước xếp hạng. Về thứ hạng kỹ năng đứng thứ 93/141.

Chất lượng đào tạo xếp thứ 102/141 quốc gia xếp hạng.

Năng suất lao động tính theo giờ làm việc của chúng ta thuộc tốp thấp nhất khu vực. Nếu như Singapore đạt năng suất 54.9 thì Việt Nam chỉ 4.4 (tức chưa bằng 1/10), chỉ bằng ½ so với Philippines, bằng ¼ so với Indonexia và Thái Lan.

Năng suất tính theo theo thu nhập năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ nằng 7.3% so Singapore và ½ so với Philippines.

Chỉ số xếp hạng nhân lực của Việt Nam xếp thứ 70/100 quốc gia xếp hạng, so với các nước trong khu vực tham gia xếp hạng chúng ta chỉ xếp trên Campuchia (xếp thứ 86).

Lao động chuyên môn cao của Việt Nam đứng thứ 81/100 quốc gia xếp hạng. So với trong khu vực chúng ta chỉ xếp trên 2 quốc gia là Indonexia (hạng 83) và Campuchia (hạng 87).

Từ khóa: cao đẳng, đại học, giáo dục nghề nghiệp, hội nghị, chiến lược, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập