Việt - Lào phải tạo được bước đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư
Cập nhật: 05/12/2023
VOV.VN - Chiều tối 5/12, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Cùng dự cuộc gặt mặt về phía Lào có: Cùng tham dự có: đồng chí Saleumxay Kommasith, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào; đồng chí Sommad Pholsena, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào.
Đại diện bộ, ngành hai nước đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về kết quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước và việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam tại cuộc gặp nhân chuyến thăm chính thức Lào năm 2022 của Chủ tịch Quốc hội.
Trao đổi tại cuộc gặp, các doanh nghiệp cho biết, đã có những đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế - xã hội Lào trong nhiều lĩnh vực; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào. Chất lượng các dự án có chuyển biến tốt hơn, tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị hai nước sớm có cơ chế hợp tác, trao đổi giữa tiền kíp và VND để dưa vào hoạt động đầu tư thương mại; đầu tư cải thiện đường sát, đường bộ, cảnh hàng hóa; đặc biệt nhanh chóng thống nhất pháp lý để thực hiện dịch vụ một cửa, giải quyết bất cấp trong logicstic...
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trở lại thăm đất nước Lào xinh đẹp và nhấn mạnh, so với thời điểm hơn một năm trước, Lào đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô có khởi sắc, kết quả rất đang khích lệ, khả năng tăng trưởng có thể 4,2-4,5%. Lạm phát đã được kiểm soát và hạ nhiệt. Thu ngân sách Lào đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhiều tỉnh vượt chỉ tiêu; khách du lịch tăng lên... Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những tín hiệu rất đáng mừng đối với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.
Ghi nhận và biểu dương kết quả hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; tình hình đầu tư kinh doanh có nhiều khởi sắc, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong cuộc gặp năm 2022 đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hai nước Việt Nam, Lào quan tâm tháo gỡ; một số dự án lớn, với sự đầu tư ba bên (Việt Nam-Lào và một đối tác phát triển), tiếp tục được khởi động như dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk phối hợp với Nhật Bản, hay các dự án về năng lượng tái tạo, điện gió, quy mô lớn cũng được thúc đẩy đầu tư...
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Quốc hội và Chính phủ Lào đã trực tiếp quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời biểu dương tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp Việt Nam, đây là yếu tố then chốt, quyết định.
"Nguyện vọng cháy bỏng giữa các doanh nghiệp và cũng là nguyện vọng của hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội hai nước và nhân dân hai nước là phải tạo được bước đột phá trong phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Hiện nay, trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Lào mới chỉ đạt khoảng hơn 1 tỷ USD, đầu tư khoảng 5 tỉ USD nhưng chưa có dự án mang tính chất động lực, nhiều dự án còn khó khăn trong quá trình triển khai. Nên nguyện vọng và chỉ đạo chung là phải tạo được bước đột phá trong quan hệ về kinh tế, thương mại".
Ghi nhận các kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các vấn đề quan trọng đối với sự phục hồi, phát triển là: thể chế, chính sách pháp luật, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí hạ tầng, giao thông, logistics… Việt Nam xác định đây là các khâu đột phá chiến lược. Phía Lào cũng hết sức quan tâm đến các lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với việc mở thêm đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh - Viêng Chăn ngày hôm qua, việc hoàn thiện các tuyến kết nối qua đường bộ, đường không, đường sắt sẽ là những yếu tố quyết định để tạo ra sự thay đổi căn bản trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
Về kiến nghị hai nước tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý vĩ mô, công tác quy hoạch, ngành vùng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là kiến nghị đúng, trúng và hiện nay, hai Đảng, hai Nhà nước đang tập trung cho các lĩnh vực này.
Về hoàn thiện để có môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây cũng là quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ Lào để tăng cường kết nối không chỉ hai nền kinh tế Việt Nam – Lào mà còn cả 3 nền kinh tế Việt Nam, Lào, Campuchia, hợp tác nội khối và hướng ra kết nối với khu vực.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã đồng ý chủ trương xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, nghiên cứu ý kiến của doanh nghiệp tại Lào trong qúa trình xây dựng dự thảo Nghị định này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp để cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền, có những kiến nghị có thể trình xem xét ngay tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Lào lần thứ 46 sắp diễn ra.
Trước những khó khăn chung hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào kiên nhẫn hơn và quyết tâm hơn bởi Đảng, Quốc hội và Chính phủ hai nước đang nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp có quyền lạc quan và nếu quyết chí, bền gan, chắc chắn sẽ thành công tại Lào.
Từ khóa: vương đình huệ, chủ tịch,quốc hội,việt nam,lào,doanh nghiệp
Thể loại: Nội chính
Tác giả: lê tuyết/vov
Nguồn tin: VOVVN