Viết gì khi làng lên phố
Cập nhật: 18/05/2021
(VOV5) -Có những câu chuyện cả xúc động lẫn đau lòng về làng quê thời hội nhập vẫn chờ được kể một cách chân thật.
Nông thôn là một đề tài truyền thống trong văn học nước nhà. Nhưng nông thôn thời nay lại vẫn là mảnh đất ít người cày xới. Ở góc độ khách quan, có thể cho rằng tốc độ đô thị hóa đã khiến nông thôn mất đi những nét đặc trưng, dần lẫn vào phố phường. Vậy ở góc độ chủ quan của người viết thì sao? Lí do cho sự thưa vắng này là gì?
“Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong – Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không…” Lời bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến có lẽ đã khắc họa hình ảnh làng quê đã in sâu trong tâm trí của bao người. Nhưng làng thời 4.0 có còn “hàng cau dưới nắng trong lá trầu không” hay không lại là một câu chuyện khác.
Ngay với cuộc thi truyện ngắn có quy mô như “Làng Việt thời hội nhập” với những con số ấn tượng như thu hút hơn 1.200 tác phẩm dự thi, tập hợp đông đủ các cây bút từ Bắc chí Nam, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, thì ở giai đoạn khởi động ban đầu (khoảng 6 tháng đầu), việc tìm ra một tác phẩm rõ nét, sắc sảo cũng không dễ dàng gì. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng nhận định:“Hầu hết các tác phẩm đều rơi vào một mô típ luyến tiếc trước tình trạng đổ vỡ. Thứ hai là kể cả các nhà văn có tên tuổi thì bút pháp, góc cạnh còn chưa rõ.”
Quang cảnh buổi sơ kết 6 tháng cuộc thi Làng Việt thời hội nhập |
Chưa bàn tới những cây bút đã “thoát li” lên thành phố, ngay cả tác giả Phạm Thuận Thành (ở Bắc Ninh), một người sống ở làng và trên vai vẫn gánh một mẫu ruộng, tốc độ thay đổi của nông thôn vẫn khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng: “Riêng nông thôn thì phát triển đổi mới nhanh kinh khủng. Cách đây độ chục năm thì tôi đau đáu vấn đề viết về chuyện vòng quay của đất biển chuyển. Bây giờ cuộc sống hiện tại, dân bây giờ lại rất mong mất đất, tức là bây giờ người ta không thiết tha làm ruộng nữa. Dân mình bây giờ là có nhu cầu giữ ruộng để sau này được đền bù. Nhất định tôi sẽ có một truyện ngắn viết về tư tưởng, tâm lí dân mong muốn mất đất. Giờ mình chỉ suy nghĩ, đạt độ chín đến mức độ nào đó mới viết. Viết truyện như một bài toán khó. Bài toán chưa giải được thì không thể viết được. Mặc dù mình suy nghĩ về nó nhưng khi nào hình tượng phải chín thì mình mới viết.”
Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, cảnh làng lên phố đã không còn xa lạ. Những hình dung xưa kia về làng quê nói chung và về người nông dân nói riêng nhiều khi đã không còn chính xác. Nông dân có còn thiết tha với đất hay không? Có còn chân lấm tay bùn hay không? Câu hỏi đó tự người viết phải trả lời trong tác phẩm của mình khi làng quê giờ đây đang ở trong những mâu thuẫn cũ – mới, những xung đột truyền thống – hiện đại, giữa những buồn – vui – được – mất trong một cuộc sống còn nhiều bấp bênh.
Cây bút Ngô Hòa Bình (ở Hà Nội), tác giả của truyện ngắn “Hoa mía”, bộc bạch: “Theo tôi, đề tài về nông thôn tuy là một đề tài rất rộng nhưng lại rất hẹp. Vì thế, khó khăn khi viết về đề tài nông thôn hiện nay chính là ý tưởng và sự sáng tạo. Để có được ý tưởng và sự sáng tạo đòi hỏi người viết phải có óc quan sát tinh tế, biết kết nối cái truyền thống và cái hiện đại, nhất là trong bối cảnh nước ta hiện tay. Đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cái nhìn về người nông dân. Họ không còn chân lấm tay bùn nữa mà thay vào đó là lớp thanh niên nông thôn, có trí tuệ, có hoài bão, không lùi bước trước khó khăn.
Nông thôn là một đề tài truyền thống trong văn học nước nhà. Nhưng nông thôn thời nay lại vẫn là mảnh đất ít người cày xới. Có những câu chuyện cả xúc động lẫn đau lòng về làng quê thời hội nhập vẫn chờ được kể một cách chân thật. Bởi nói như tác giả Đinh Hy (ở Ninh Thuận), trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê nên nếu viết không sâu, người đọc sẽ nhận ra ngay: “Tính cách nhà quê gần như bao trùm toàn bộ đời sống người Việt Nam, không ai ở thành phố mà không có sợi dây liên hệ ít nhiều với nông thôn bằng huyết thống, quan hệ hôn nhân, bằng con đường mưu sinh... Viết về nông thôn không hay, không sâu sắc, người đọc phát hiện ngay. Vì vậy, viết những đan xen đa chiều ấy với nhau, lại viết với một tâm thế ao ước làng quê Việt Nam không vừa mất gốc tích, vừa không bảo thủ mà đi lên sẽ đi lên theo chiều vừa nhân bản, vừa khoa học theo tôi quả là một điều rất khó khăn.”
“Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn”. Câu nói đó có thể không còn đúng với đa số khi luồng di cư từ nông thôn lên thành phố ngày một nhiều. Nhưng vẫn còn đó “những bài học về nông thôn”, những trăn trở băn khoăn khi làng đã lên phố. Và nông thôn thời hội nhập với những ngổn ngang trăm mối tơ vò vẫn sẽ là một địa hạt chờ được khai phá.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, văn học về nông thôn, làng quê thời hội nhập, người nhà quê
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5