Viện trưởng Lê Minh Trí: “Chưa từng có ai khai nhận hàng triệu USD"
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - “Kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng năm sau đã tốt hơn năm trước Riêng chuyện có đối tượng khai nạn cả triệu USD trước đây không có”.
Ông Lê Minh Trí – Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh điều này khi báo cáo tại phiên họp toàn thể thứ 34 của Ủy ban Tư pháp, ngày 4/9.
“Điều tra đồng chí, đồng đội khó khăn lắm chứ!”
Nhấn mạnh công tác cán bộ, ông Lê Minh Trí cho biết, trong 3 năm nay VKSNDTC coi công tác cán bộ là giải pháp cơ bản kể cả trước mắt và lâu dài. Chọn người đứng đầu làm sao truyền tải được tinh thần này để ngày càng tốt hơn.
“Thời gian qua chúng tôi siết chặc trật tự kỷ cương, đạo đức công vụ trong ngành. Công tác thanh tra đột xuất, thanh tra khi thấy có dấu hiệu rất là quyết liện, sai là chúng tôi xử mặc dù rất đau lòng. Cỡ Viện trưởng tỉnh trước đây là không đụng tới, bây giờ là tôi xử lý rồi. Vừa rồi Phó Viện trưởng của Tân Biên, Tây Ninh đặt vấn đề đưa hối lộ, tôi là người ra lệnh bắt ngay. Chúng ta không phải không thương cán bộ mình nhưng phải xử lý nghiêm một vài trường hợp để răn đe” – ông Lê Minh Trí nói.
Ông Lê Minh Trí – Viện trưởng VKSNDTC |
Tuy vậy, Viện trưởng VKSNDTC cũng chia sẻ: “Tâm lý anh em đi điều tra đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội cũng khó khăn lắm chứ không đơn giản đâu. Tôi nói thật là sờ vào bất kỳ cán bộ của ngành nào đều nhờ Viện trưởng để xin hết chứ chưa có thủ trưởng nào nói “anh làm cho nghiêm”. Viện trưởng quyết cái nào, cái nào cân nhắc cũng khó khăn lắm!”
“Vừa rồi tôi đã "thăm" mấy thẩm phán rồi, thậm chí cả Chánh án, phó chánh án. Tôi không có ý “sờ” nhiều nhưng làm là phải đúng để biết sợ. Một khi anh ra bản án trái pháp luật là cho điều tra ngay. Còn kiểm sát sai chúng tôi cũng xử. Thời gian qua bắt cả điều tra viên, kiểm sát, cả chấp hành viên, cả thẩm phán. Tôi mong như vậy nhằm lập lại trật tự để không phải bắt nữa” – ông nói thêm.
Không ai ở ngoài trại mà thừa nhận tham nhũng
Liên quan đến án tham nhũng và kinh tế, theo ông Lê Minh Trí nếu để đối tượng ở bên ngoài thì họ không bao giờ nhận tội, chỉ ở một vòng kiểm soát chặt chẽ trong trại giam mới có thể điều tra được. Thực tế các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn vừa qua, không có trường hợp nào để bên ngoài mà nhận tội cả, trong khi thời hạn điều tra có hạn.
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cũng cho biết thêm, việc đưa nhận hối lộ chỉ có hai người, thiếu chứng cứ nên đấu tranh để cho họ khai nhận hối lộ là không đơn giản. Ngay từ đoạn đầu đã khó khăn, từ chuyện đưa mấy cán bộ cấp cao vào trong trại giam.
Theo ông, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng năm sau đã làm tốt hơn năm trước, riêng chuyện có đối tượng khai nhận cả triệu USD, nửa triệu USD trước đây không có. Đây là nỗ lực lớn, các lực lượng đang cố gắng làm tốt hơn trong điều kiện còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ông mong có sự chia sẻ động viên vì án tham nhũng làm rất khó.
Theo Viện trưởng VKSNDTC, mỗi một chỉ tiêu hay một yêu cầu công tác tố tụng đều có hai mặt, quan trọng là chúng ta nhìn ở góc nào, quan tâm ở khía cạnh nào. Trước hết, yêu cầu chính trị của các cơ quan tố tụng là làm sao đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm nói chung và tội phạm đặc biệt nguy hiểm nói riêng. Đi đôi với đó là bảo vệ quyền con người, ở đây là cả đối tượng nghi vấn. Do vậy, khởi tố hay không khởi tố cũng là quyết định phải cân nhắc kỹ.
“Khi chúng ta quan tâm đến yếu tố quyền con người, chúng ta nói sao khởi tố sớm thế, chưa nên khởi tố. Nhưng nếu đấu tranh với tội phạm, có dấu hiệu của tội phạm mà không khởi tố thì làm sao điều tra được? Chúng ta đang thực hiện cùng lúc hai yêu cầu: chống oan sai và cũng chống bỏ lọt tội phạm. Tôi vẫn nói trong ngành kiểm sát là chống oan sai 10, chống bỏ lọt tội phạm 9 thôi, bởi lọt còn có cơ hội làm lại nhưng oan sai thì khó khắc phục. Ở góc độ bắt hay không bắt cũng vậy” – ông Lê Minh Trí nói./.
Con gái ông Nguyễn Bắc Son nói không nhận tiền hối lộ của bố
Từ khóa: Tội nhận hối lộ, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Lê Minh Trí, án tham nhũng
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN