"Việc triển khai 39 công trình trọng điểm của Hà Nội còn chậm"

Cập nhật: 10/12/2022

VOV.VN - HĐND thành phố Hà Nội thành lập đoàn giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội.

Hà Nội giám sát đầu tư công

Ngày 10/12, HĐND thành phố Hà Nội khoá 16, nhiệm kỳ 2021-2026 thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết và tiến hành phiên bế mạc kỳ họp thứ 10.

Ngày cuối của kỳ họp, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã xem xét các tờ trình về Chương trình phát triển thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Xem xét tờ trình về ban hành Nghị quyết về thành lập 2 Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố về: Việc thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của thành phố Hà Nội; Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội.

Ông Duy Hoàng Dương, Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: "Việc triển khai 39 công trình trọng điểm của thành phố còn chậm, không đáp ứng yêu cầu, giải ngân thấp hoặc không giải ngân."

Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, kỳ họp lần này, Hội đồng nhân dân thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố với 22 chỉ tiêu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đồng thời nhấn mạnh, năm 2023, dự báo tình hình kinh tế vẫn còn những khó khăn, thành phố cần tập trung cao độ để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đảm bảo tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Bình Định: "Ngay cửa biển mà ngập lụt là không thể chấp nhận được"

Cũng trong ngày 10/12, kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định tiếp tục ngày làm việc thứ 3. Nhiều đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng, tình trạng ngập cục bộ ở thành phố Quy Nhơn thời gian qua là điều “bất thường”. Các ngành chức năng tỉnh Bình Định cần sớm đưa ra giải pháp khắc phục.

Nhiều đại biểu cho rằng, hệ thống thoát nước tại đô thị Quy Nhơn không đảm bảo. Cụ thể, tại các khu vực 2, 3, 4, 5 của phường Ghềnh Ráng trong năm nay, 2 lần ngập sâu từ 0,5 đến 1.5m, ảnh hưởng đời sống, tài sản của người dân. Trong khi đó, khu vực ngập lụt này nằm sát biển.

Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định nêu vấn đề: "Gần đây TP Quy Nhơn có tình trạng ngập lụt nặng. Việc triển khai xử lý hiện là khá chậm. Đề nghị các cấp, các ngành từng bước nghiên cứu xử lý vì nó liên quan đến vấn đề đời sống của bà con nhân dân ở các khu vực trũng thấp. Ví dụ như vừa rồi Ghềnh Ráng một trong những điểm rất là nặng. Mưa chỉ cần trên 150mm là ngập hết.”

Trả lời vần đề này, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, 2 đợt mưa lớn trong năm nay với cường độ quá lớn, lượng nước tập trung về khu vực này quá nhanh nên hệ thống thoát nước không đủ khả năng tiêu thoát, gây ngập úng cho khu vực. Hệ thống thoát nước khu vực phường Ghềnh Ráng được đầu tư trong nhiều giai đoạn khác nhau, không có sự đồng bộ về tiết diện thoát nước. Các tuyến thoát nước chính nhiều đoạn bị bồi lấp hoặc chỉ đủ khả năng thoát nước với trận mưa 30mm/giờ trong khoảng 3 giờ, đây là điểm nút chính gây ngập lụt khu vực.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đề xuất UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Quy Nhơn và các cơ quan liên quan lập đề án Nghiên cứu giải pháp chống ngập úng cho khu vực 3, 4 phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn và các khu vực lân cận để làm cơ sở xây dựng các dự án.

Theo ông Trần Viết Bảo, giải pháp trước mắt là tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước, đầu tư hồ điều hòa để tham gia vào điều tiết nước trong việc khắc phục những trận mưa lớn: “Trước mắt mở rộng được mương và cống thoát nước qua đường Hoàng Gia thì đây là điểm nghẽn và sẽ đảm bảo được những trận mưa với quy mô như vừa rồi thì có thể là không bị ngập úng. Còn về lâu dài, những trận mưa lớn hơn theo tính toán thì với tần suất lũ 5% thì phải mở rộng thêm một số tuyến thoát nước.”

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định khẳng định, để xảy ra ngập lụt khi mưa lớn tại phường Ghềnh Ráng là do công tác quản lý yếu kém. Do đó, Sở Xây dựng và UBND thành phố Quy Nhơn cùng các ngành liên quan nghiên cứu giải pháp khắc phục để không xảy ra ngập lụt.

“Vị trí ở ngay cửa biển mà ngập lụt là không thể chấp nhận được. Cần tăng cường trách nhiệm quản lý, nếu không nạo vét, không làm theo đúng quy định thì Giám đốc Sở Xây dựng phải cho thanh tra, xử lý. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng hứa trước cử tri mùa mưa năm 2023 còn ngập nữa hay không” - ông Dũng nói.

Tiền Giang: Trụ sở ở vị trí “đất vàng” đóng cửa, gây lãng phí

Trong 3 ngày (từ ngày 8-10/12) Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khoá X nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã tổ chức kỳ họp cuối năm. Các đại biểu đã đánh giá, thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn tồn tại, giải quyết nhiều vấn đề được cử tri địa phương quan tâm.

Trong năm nay, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Tiền Giang đạt được kết quả rất khả quan do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được cơ bản kiểm soát, các chính sách phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả.

Đến giữa tháng 12, Tiền Giang có 20/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nhiều lĩnh vực đạt khá cao như sản lượng thủy sản tăng 4,2%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,4%; xuất khẩu đạt 108,4% kế hoạch năm, tăng hơn 36% so cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 106,7% kế hoạch, tăng trên 24% so cùng kỳ, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn  dự kiến trong năm đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 27 %...  tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được ổn định, đảm bảo.

Bên cạnh những mặt đạt được, trong năm nay, tỉnh Tiền Giang còn tồn tại một số vấn đề cần được tiếp tục quan tâm, khắc phục, giải quyết kịp thời. Đó là tình trạng mức thu học phí đối với học sinh ở mức cao hơn các năm trước (từ 66 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng/tháng), hơn 3,6% hộ dân nông thôn chưa tiếp cận được nguồn nước từ các nhà máy xử lý nước tập trung, nhiều đối tượng nghiện ma túy chưa được đưa vào cơ sở cai nghiện, tình hình thiếu điện phục vụ sản xuất nông nghiệp; bệnh viện đa khoa tỉnh có quy mô 1000 giường đã xây dựng xong nhưng chậm đưa vào hoạt động...

Các vấn đề này đã được UBND tỉnh và các Sở, ngành tỉnh tiếp thu, giải trình và đưa ra hướng giải quyết sớm nhất trong thời gian tới.

Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang có nhiều sở, ngành khi di dời vào làm việc trong Khu hành chính tập trung của tỉnh từ 2-3 năm nhưng các trụ sở cũ ở vị trí “đất vàng” đang đóng cửa, gây lãng phí tài sản công. Về vấn đề này, ông  Hà Thiện Ý, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh đã có chủ trương xử lý các trụ sở cũ này là đã bố trí nơi làm việc cho một số cơ quan khác có nhu cầu và đã và đang làm hồ sơ, thủ tục bán đấu giá tài sản đối với các trụ sở còn lại.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Giám sát những vấn đề nổi cộm

Sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm cao, hôm nay (10/12) Kỳ họp thứ 11 - Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VII đã bế mạc. Hội nghị đã thông qua 25 nghị quyết; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, công tác nhân sự; xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác. 

Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023; Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết về phê duyệt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2023; Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh; Nghị quyết phê duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2023;

Nghị quyết phê duyệt chỉ tiêu biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh năm 2023; Nghị quyết phê duyệt bổ sung lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023 và phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh năm 2023.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông qua 13 Nghị quyết quan trọng khác như: thông qua Đề án thành lập thị trấn Kim Long, huyện Châu Đức; phê duyệt phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023; phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2021; thông qua Danh mục công trình, dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án năm 2023; thông qua Kế hoạch tổ chức các Kỳ họp của HĐND tỉnh Bà Rịa  – Vũng Tàu năm 2023... 

Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong năm 2023 HĐND tỉnh sẽ có 2 đoàn giám sát về Danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng và Danh mục các dự án có thu hồi đất và giám sát tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Việc giám sát sẽ thực hiện công khai, dân chủ.

"Hằng năm, HĐND tỉnh đều có chương trình, từ đó lựa chọn giám sát những vấn đề sát thực tế, tránh trùng lặp với chương trình giám sát khác của Quốc hội và các cơ quan. HĐND tập hợp những vấn đề nổi cộm, tác động đến cuộc sống người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đó chọn lọc, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên" - ông Thuận nhấn mạnh./.

Từ khóa: Hà Nội giám sát triển khai công trình trọng điểm, Bình Định tìm giải pháp khắc phục ngập úng, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập