“Việc thông qua 2 hiệp định với Việt Nam cũng là thành công với EP”

Cập nhật: 13/02/2020

VOV.VN - Chủ tịch Uỷ ban thương mại quốc tế Bernd Lange cho rằng quá trình thảo luận và thông qua hai Hiệp định với Việt Nam là một thành công lớn của EP.

Chủ tịch Uỷ ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, Bernd Lange, cho rằng việc thông qua được hai Hiệp định cực kỳ tham vọng và tiến bộ với Việt Nam cũng là một thành công lớn với Nghị viện châu Âu.

Xuất hiện trong buổi họp báo sau khi Nghị viện châu Âu thông qua hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Uỷ ban thương mại quốc tế, một Uỷ ban quyền lực hàng đầu của Nghị viện châu Âu, cho rằng quá trình thảo luận và thông qua hai Hiệp định với Việt Nam cũng là một thành công lớn của Nghị viện châu Âu.

"viec thong qua 2 hiep dinh voi viet nam cung la thanh cong voi ep" hinh 1
Nghị sỹBernd Lange và nghị sỹGeert Bourgeois.

Theo ông Lange, khác với cách đây 20 năm, ngày nay công chúng châu Âu rất nhạy cảm và nhiều đòi hỏi với các Hiệp định thương mại, không chỉ gói gọn trong vấn đề kinh tế mà còn cả về môi trường, quyền của người lao động, xuất xứ hàng hoá. Ngoài ra, cũng chỉ từ năm 2009 trở lại đây, Nghị viện châu Âu mới thực sự sử dụng hiệu quả quyền lực của mình để tạo ảnh hưởng trong các đàm phán và xây dựng Hiệp định thương mại với các đối tác trên thế giới.

Do đó, với Nghị viện khoá mới hiện nay, mới đi vào hoạt động được hơn nửa năm, việc thông qua được một Hiệp định thương mại tự do cực kỳ nhiều tham vọng và tiến bộ như với Việt Nam là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị viện châu Âu đang đi đúng con đường, đó là đối thoại.

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng dù giữa Việt Nam và EU vẫn còn có những khác biệt nhưng cách duy nhất để cuộc sống người dân hai bên tốt hơn là đối thoại. Tôi vui mừng vì lần đầu tiên Nghị viện châu Âu thống nhất được với Quốc hội Việt Nam lập ra các Uỷ ban hỗn hợp để theo dõi việc triển khai Hiệp định cũng như thường xuyên đối tác. Đó thực sự là thành công lớn với Nghị viện châu Âu”, ông Lange nhấn mạnh.

"viec thong qua 2 hiep dinh voi viet nam cung la thanh cong voi ep" hinh 2
Nghị sĩ Geert Bourgeois trả lời phóng viên Việt Nam.

Trong các phiên thảo luận hai ngày qua tại Nghị viện châu Âu, rất nhiều nghị sĩ châu Âu nhấn mạnh nhiều đến việc tôn trọng các tiêu chuẩn và một vài phân tích cho rằng Hiệp định mới có thể tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đi cùng áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai bên, nhất là phía Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về vấn đề này, nghị sĩ Geert Bourgeois, đồng thời là báo cáo viên của hai Hiệp định với Việt Nam tại Nghị viện châu Âu, nhận xét: “Các nhà chức trách Việt Nam sẽ giải thích rõ Hiệp định này cho người dân Việt Nam, nhưng hiệp định này sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều cơ hội cho Việt Nam. Hiện tại đã có sự khác biệt rất lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, khi Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu nhiều hơn là châu Âu vào Việt Nam. Và việc này sẽ tiếp tục gia tăng. Vì thế, Hiệp định này là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nên nhớ là kể cả khi nước Anh đã rời đi thì Liên minh châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất thế giới”.

Ngoài ra, trước việc một số người vẫn hoài nghi là liệu châu Âu có đủ sức giám sát các cam kết sâu rộng của Việt Nam trong một số chủ đề hai bên từng có vướng mắc hay không, nghị sĩ Geert Bourgeois khẳng định trong suốt quá trình chuẩn bị, thảo luận về Hiệp định này, ông luôn nhận được sự hợp tác tốt nhất có thể từ các đối tác Việt Nam.

Ông Bourgeois cho biết trong hai năm qua, khi phía châu Âu yêu cầu lập các Uỷ ban hỗn hợp để rà soát Hiệp định, yêu cầu đối thoại về nhân quyền, yêu cầu lập các tổ chức độc lập để giám sát cam kết, Việt Nam đều chấp nhận rất thiện chí. Vì thế, không thể đòi hỏi gì hơn và thực tế kết quả bỏ phiếu cho thấy điều đó, khi gần 65% số nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã ủng hộ hai Hiệp định với Việt Nam. Điều này chính là việc thể hiện niềm tin từ phía châu Âu với các cam kết của Việt Nam./.

Từ khóa: Việt Nam, EP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA, hiệp định thương mại Việt Nam-EU

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập