VICEM phấn đấu đạt lợi nhuận hơn 2.300 tỷ năm 2021, hướng đến “sản xuất xanh”
Cập nhật: 01/05/2021
Thị trường hoa kiểng Tết tại Tiền Giang, Bến Tre “người cười, kẻ khóc”
Thu hút kiều hối gần 16 tỷ USD: Điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam 2024
VOV.VN - Trong năm 2021, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đặt mục tiêu tiêu thụ 30 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 2.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước.
Năm 2021 Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) dự kiến phấn đấu sản xuất Clinker khoảng 22 triệu tấn, tăng khoảng 1% so với thực hiện năm 2020; Tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng trên 30 triệu tấn, tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2020. Sản xuất xi măng khoảng trên 26 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với thực hiện năm 2020. Tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng trên 30 triệu tấn, tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2020.
Mục tiêu đạt tổng doanh thu khoảng trên 35.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế khoảng trên 2.300 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với thực hiện năm 2020. Phấn đấu thu nhập bình quân của người lao động được giữ vững, không thấp hơn năm 2020.
Đặc biệt hơn, với vai trò trụ cột trong mặt hàng sản xuất xi măng và dẫn dắt thị trường, VICEM tập trung vào cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp và thoái vốn ở những lĩnh vực không hiệu quả. Nâng cao chất lượng sản phẩm xi măng, xây dựng giải pháp tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm…
Khởi sắc trong đại dịch COVID-19
Quý I/2021 dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và ngành xi măng nói riêng; thị trường xi măng trong nước cung vẫn tiếp tục vượt cầu, đặc biệt là cạnh tranh về giá làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và của VICEM.
Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt từ VICEM và sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị thành viên, VICEM đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo mục tiêu kép: Vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.
Với kết quả trong quý I.2021: Sản xuất Clinker đạt 5,08 triệu tấn, bằng 97,8% so với cùng kỳ, tăng 4,2% so với mục tiêu quý I. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 5,38 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ và bằng 93,5% so với mục tiêu quý I.
Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 6,84 triệu tấn tăng 9,1% so với cùng kỳ, tăng 2% so với mục tiêu quý I (riêng tiêu thụ xi măng đạt 5,51 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ và bằng 96,2% so với mục tiêu).
Lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với mục tiêu; trong đó các Công ty sản xuất xi măng đạt bằng 96,4% so với mục tiêu quý I.
Nhiều đơn vị thành viên trong VICEM đạt và vượt kế hoạc đề ra. Trong đó Vicem Hoàng Thạch đạt 125% kế hoạch; Vicem Hạ Long đạt 121% kế hoạch; Vicem Bỉm Sơn đạt 109% kế hoạch; Vicem Hoàng Mai, Hà Tiên 1 đạt 107% kế hoạch…
Doanh thu thuần quý I/2021 của các đơn vị sản xuất xi măng là 6.573 tỷ đồng, bằng 98,3% mục tiêu quý I và tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Giảm tiêu hao trong sản xuất, giữ đà tăng trưởng
Trong quý II/2021, VICEM nhận định, dịch bệnh COVID-19 tuy đã được kiểm soát song vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành xi măng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là mất cân đối cung cầu. Để đạt được mục tiêu, VICEM yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung, duy trì thiết bị hoạt động ổn định với năng xuất cao nhất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm tiêu hao trong sản xuất (đặc biệt là giảm tiêu hao nhiệt); Nghiên cứu sử dụng rác thải thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và giảm ô nhiễm môi trường. Đánh giá toàn diện chương trình xử lý các “nút thắt” tại các đơn vị thành viên.
Các Công ty thành viên chủ động xây dựng các kịch bản trong điều hành để tối ưu hóa công tác tiêu thụ nâng cao hiệu quả SXKD. Hợp lý hóa các khâu trong giao nhận để thực hiện việc xuất hàng nhanh nhất ở trong nhà máy và các điểm giao hàng. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy định phối hợp thị trường và chuẩn hóa hoạt động của đội ngũ thương vụ.
Khẩn trương rà soát, xây dựng lộ trình xử lý những tồn tại về tài chính, đặc biệt là vật tư tồn kho ứ đọng. Tổ chức phân tích hoạt động kinh tế của các đơn vị SXKD, từng bước đưa công việc này vào nề nếp.
Tiếp tục khẩn trương xử lý những tồn tại của các dự án đầu tư xây dựng tại công ty Mẹ và các Đơn vị thành viên.
6 nhiệm vụ trọng tâm định hướng cho VICEM
Ban lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam nhận định, xu hướng chuyển dịch từ xi măng bao sang xi măng rời ngày càng rõ nét; việc xuất khẩu xi măng dự báo còn nhiều khó khăn, trong khi cạnh tranh xi măng trong nước ngày càng khốc liệt do nguồn cung xi măng tại chỗ tiếp tục duy trì ở mức rất cao (dự kiến nguồn cung xi măng năm 2021 vẫn ở mức 106 triệu tấn, trong khi đó, dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn xã hội năm 2021 khoảng 66 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với năm 2020).
Để đạt được các mục tiêu năm 2021 nêu trên, VICEM đề ra 6 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất: Tiếp tục tối ưu hóa, nâng cao năng lực sản xuất:
Nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Xúc tiến đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện tại các dây chuyền sản xuất xi măng nhằm tự cung tự cấp một phần sản lượng điện phục vụ sản xuất. Tập trung thực hiện các thủ tục xin phê duyệt trữ lượng, cấp phép, nâng công suất khai thác mỏ nguyên liệu của các Công ty thành viên VICEM…đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài cho sản xuất xi măng.
Thứ hai: Hoàn thiện hệ thống tiêu thụ, đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm:
Rà soát, từng bước sắp xếp lại thị trường tiêu thụ giúp phát huy hết năng lực sản xuất của các nhà máy, tối ưu hóa hoạt động Logistics, lợi thế về thương hiệu và định giá cao nhất, từ đó tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và tăng thị phần của VICEM.
Hoàn thiện chiến lược kinh doanh xi măng rời để phù hợp với xu hướng dịch chuyển xi măng bao sang xi măng rời.
Áp dụng số hóa trong tiêu thụ sản phẩm trên diện rộng: Quản lý đặt hàng, hệ thống phân phối, phương tiện vận tải, Logistics.
Về xuất khẩu xi măng, Clinker: Ngoài thị trường mục tiêu Philippines, Trung Quốc, tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường Mỹ, Peru, khu vực Nam Mỹ và Đông Phi. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu và từng bước nâng cao thương hiệu VICEM trên thị trường khu vực và thế giới.
Thứ ba: Nghiên cứu, xây dựng các kịch bản trong điều hành sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để hạn chế và tiến tới không đổ Clinker ra bãi.
Thứ tư: tập trung tái cơ cấu, cổ phần hóa; rà soát, cập nhật và đề xuất điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Thứ năm: Tiếp tục triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo cải tiến thiết bị, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong sản xuất xi măng.
Tiếp tục triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, tập trung nghiên cứu, đánh giá kết quả xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên nhiên liệu trong sản xuất Xi măng và đưa vào áp dụng tại các Công ty sản xuất Xi măng của VICEM có đủ điều kiện nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho VICEM, đồng thời chung tay góp phần giải quyết được vấn đề môi trường cho đất nước.
Thứ sáu: Duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, tăng năng suất lao động, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp, tích cực tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội./.
Từ khóa: Bộ xây dựng, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, VICEM, sản xuất xi măng, nhà máy xi măng, Vicem Hoàng Thạch; Vicem Hạ Long; Vicem Bỉm Sơn ; Vicem Hoàng Mai, xi măng Hà Tiên
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN