Vị thế của Trung Quốc sẽ gia tăng nhờ khủng hoảng COVID-19?
Cập nhật: 30/03/2020
VOV.VN -Trung Quốc đang tận dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để củng cố vị thế của mình khi Mỹ không còn giữ vai trò 'cầm lái' và EU chưa thể cứu được chính mình.
Thành phố Vũ Hán, nơi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) khởi phát trước khi lan ra phạm vi toàn cầu, đang dần dần nối lại cuộc sống bình thường. Theo dự kiến, lệnh phong toả tại Vũ Hán sẽ được dỡ bỏ vào ngày 8/4. Giao thông đường sắt giữa tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và châu Âu đã được nối lại. Chuyến tàu chở hàng đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán vào cuối tháng 12 năm ngoái đã khởi hành từ thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc sáng 28/3 đến tiếp trợ cho châu Âu.
Thành phố Vũ Hán - thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh:© Shutterstock |
Với mong muốn khôi phục lại hoạt động kinh tế, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đại dịch COVID-19 hầu như đã chấm dứt. Nền kinh tế Trung Quốc hứa hẹn khởi sắc trở lại sau nhiều tháng đình trệ. Theo các chuyên gia, điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến nước láng giềng châu Á và là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế thế giới. Bởi, toàn châu Á đóng góp khoảng 60% vào tỉ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu và giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và các nước châu Á sôi động hơn với Mỹ.
Đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã thực sự chấm dứt?
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế và nhiều người dân Trung Quốc nghi ngờ về tính trung thực của tuyên bố này. Người dân Trung Quốc vẫn canh cánh lo sợ về làn sóng lây nhiễm mới. Trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, một thành viên đã bình luận: “Dỡ bỏ lệnh phong toả không hẳn là điều tốt cho người dân thường. Chính phủ không muốn tăng trưởng kinh tế 'lâm nguy' và muốn chứng tỏ sự thành công”. Một blogger tại Vũ Hán viết: “Trung Quốc đang cố gắng cho phương Tây thấy Trung Quốc hiện nay đã 'sạch' virus COVID-19. Song đó chỉ là khẩu hiệu không hơn không kém.” Các chuyên gia và các chính khách Trung Quốc kỳ vọng tỉ lệ tăng trưởng Trung Quốc năm nay sẽ đạt mức đáy là 6% để đảm bảo việc làm và sự cân đối trong xã hội.
Tình thế xoay chuyển
Không thể phủ nhận Trung Quốc đã có những thành công nhất định trong việc đẩy lùi dịch bệnh nhờ việc áp dụng các biện pháp phong toả hà khắc chưa từng thấy. Trong khi đó, ở Bắc và Tây bán cầu, cuộc vật lộn với COVID-19 vẫn còn cam co. Tâm bão dịch đã được dịch chuyển từ Vũ Hán sang châu Âu và Mỹ. Italy đang là nơi COVID-19 'càn quét' nặng nề nhất với 10.023 nạn nhân tử vong và 92.472 ca nhiễm tính đến ngày 28/3 theo số liệu của Cục Bảo vệ Dân sự Italy. Hệ thống y tế của nhiều nước đang rơi vào tình trạng quá tải do thiếu nhân lực, vật lực, thiết bị y tế trong khi tình hình dịch bệnh không thuyên giảm.
Trung Quốc ào ạt viện trợ và xuất khẩu vật tư y tế
Người Trung Quốc luôn tâm niệm 'Hàng hoá Trung Quốc ở đâu, biên giới Trung Quốc ở đó'. Vì thế, không cần chờ thời gian hồi phục, Trung Quốc nhanh chóng triển khai viện trợ ồ ạt khắp thế giới để giúp các nước đang trong cuộc chiến với COVID-19. Trung Quốc đã chuyên chở hàng triệu khẩu trang, quần áo chống chất nguy hiểm và bộ kit xét nghiệm tới EU, cụ thể là đến Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Áo, Anh, Bỉ...và gửi hàng viện trợ đến Philippines, Pakistan, Sri Lanka, Iran, Iraq và một vài nước châu Phi. Ngoài ra, Trung Quốc còn cử các phái đoàn bác sỹ dày dặn kinh nghiệm về xử lý dịch COVID-19 đến giúp đỡ và tư vấn cho các nước khác.
Trong bức thư gửi đến Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắn gửi thông điệp: "Các cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng đặt ra một thách thức chung đối với nhân loại, mà tình đoàn kết và hợp tác là vũ khí mạnh nhất để tháo gỡ chúng.”
Trung Quốc đang 'đáp lễ' lại sự giúp đỡ nhiệt thành đã nhận được từ EU. Riêng trong tháng 1/2020, nền kinh tế lớn nhất châu Á này đã nhận 50 tấn hàng viện trợ y tế từ châu lục trắng. Trên thực tế, Bắc Kinh dễ dàng cung cấp các mặt hàng này hơn vì hầu hết các mặt hàng từ khẩu trang bảo vệ đến quạt thông gió đều được sản xuất tại Trung Quốc. Các công ty như Aeonmed tại Bắc Kinh đang hoạt động hết công suất để duy trì sản xuất cung cấp vật liệu y tế cho các nước có dịch COVID-19. Và không chỉ vật tư y tế, Trung Quốc còn đang xuất khẩu cả tri thức vì cho đến nay Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm xử lý virus này hơn bất kỳ nước nào khác. Hầu hết các công trình nghiên cứu và số liệu về virus hiện nay chủ yếu do Trung Quốc cung cấp. Các loại vắc xin phòng chống SARS- COV-2 đang được thử nghiệm ở Vũ Hán và nhiều nơi khác trên thế giới.
Khi Washington không còn đảm nhận vai trò 'đầu tàu'
Nếu như Mỹ đã phối hợp các nỗ lực viện trợ quốc tế trong đại dịch Ebola năm 2014, thì nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump chứng tỏ không còn là một đối tác tin cậy. Tổng thống Trump tiếp tục gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán”. Thậm chí nếu ông Trump quyết định đảm nhận vai trò này, thì cũng khó có thể tin điều đó vì phương châm ông Trump luôn theo đuổi là “Nước Mỹ trên hết”.
Hơn nữa, với con số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới là 123.781 và 2229 nạn nhân tử vong theo thống kê tính đến ngày 29/3, Mỹ đang trở thành một 'điểm đen' mới trong tấm bản đồ dịch COVID-19 của thế giới và khó thoát khỏi tình thế này trong tương lai gần.
EU đang trong cơn “bĩ cực”
Trong khi đó, EU cũng đang lâm nguy và cho đến nay chưa thể cứu được mình khỏi cơn hoạn nạn mang tên COVID-19. Thay vì chứng minh là một liên minh dựa trên tình đoàn kết và các giá trị được chia sẻ, các nước thành viên EU đơn phương đóng cửa biên giới để bảo vệ dân chúng khỏi sự xâm nhập virus từ các nước láng giềng khác và thậm chí ban đầu từ chối xuất khẩu vật tư y tế cho các nước khác. Đến nay, tình hình này được cải thiện phần nào.
Tổng thống CH Serbia Alesandar Vucic và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: euractiv |
Một số nước thành viên triển vọng của EU lo ngại rằng đôi khi nhận viện trợ từ Trung Quốc nhanh hơn và ít phức tạp hơn nhận từ EU. Thậm chí trước khi dịch corona bùng phát, các nước này còn tín nhiệm Bắc Kinh hơn Brussels và cuộc khủng hoảng này sẽ càng củng cố xu thế này. Tổng thống Serbia Alesandar Vucic gần đây đã nói rằng tình đoàn kết của châu Âu giống như một “câu chuyện cổ tích”. “Chúng tôi đang chờ người anh em Trung Quốc của chúng tôi ở đây. Không có Trung Quốc, xem ra châu Âu đang gặp khó trong việc tự bảo vệ mình. Chúng tôi không giấu diếm sự thực là chúng tôi không thể bảo vệ chính mình. Không có Trung Quốc và người anh em Trung Quốc, chúng tôi không thể làm điều đó”, ông Vucic giãi bày.
Tuy nhiên, còn có các nước khác có thể là hình mẫu thay Trung Quốc. Ví dụ, Hàn Quốc, Việt Nam đang thành công trong việc chế ngự sự lây lan virus này mà không cần áp dụng biện pháp phong toả toàn diện. SARS-CoV-2 có thể không phải là “virus Trung Quốc”, song Trung Quốc không thể chỉ là nước duy nhất được tán dương về cách đối phó với dịch bệnh này.
Mặc dù vậy, Trung Quốc đang tận dụng được tình thế hiện nay để lấy lại sự tín nhiệm trên trường quốc tế. Theo các chuyên gia, trong cuộc chạy đua với thời gian này, nước nào đưa ra được vắc xin chống COVID-19 ra thị trường đầu tiên sẽ giành được ưu thế và tầm ảnh hưởng./.
Từ khóa: Trung Quốc, Vũ Hán, COVID-19, corona, Mỹ
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN