Vì sao vẫn có những DN đứng vững trong dịch Covid 19?
Cập nhật: 02/03/2021
Nhận định chứng khoán 21/1: VN-Index thử thách vùng kháng cự 1.250-1.255 điểm
Australia doanh nghiệp không có khả năng thanh toán tăng cao
VOV.VN - Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc rút khỏi thị trường, thì có những doanh nghiệp đã linh hoạt, chủ động thích ứng với bối cảnh mới để vượt qua khó khăn.
Dịch Covid-19 đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ rơi vào tình cảnh khó khăn. Mặc dù vậy, bức tranh hoạt động của doanh nghiệp vẫn có những gam màu sáng. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc rút khỏi thị trường, thì có những doanh nghiệp đã linh hoạt, chủ động thích ứng với bối cảnh mới để vượt qua khó khăn.
Công ty Cổ phần Dgroup hoạt động trong lĩnh vực đào tạo. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này khi lượng khách hàng sụt giảm nghiêm trọng.
Những hợp đồng và kế hoạch của năm 2020 hầu như đã bị đảo lộn. Với quan điểm “sống chung với dịch bệnh”, thay vì tổ chức những buổi hội thảo trực tiếp, nay chuyển sang hình thức trực tuyến. Với việc trang bị máy móc, đầu tư nâng cấp thiết bị, những chương trình tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp và các chuyên gia đã được thực hiện thành công. Hình thức này vừa giảm được chi phí cho khách hàng, vừa mang lại nguồn thu nhập để doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Bà Lê Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DGroup cho biết: "Do dịch Covid-19, ban lãnh đạo chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để xem xét các hoạt động, bố trí hoàn thiện lại hệ thống quản trị và mở rộng phạm vi đối tác. Sau dịch Covid-19, chúng tôi sẽ tự tin hơn trong định hướng phát triển doanh nghiệp. Từng bước một, chúng tôi tìm ra chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp của mình".
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 và tăng ở hầu hết tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Tổng vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 1/2021 là hơn 395.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng 1/2020. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự hồi phục của doanh nghiệp nhỏ và vừa sau hàng loạt khó khăn trong năm 2020.
Trong giai đoạn phục hồi, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: "Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, với sự trợ giúp của thương mại điện tử, khái niệm to, nhỏ không phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là chất lượng của doanh nghiệp, chất lượng của sản phẩm dịch vụ và khả năng phát triển bền vững của nó. Hãy tập trung vào chăm lo trình độ quản trị và năng lực cạnh tranh. Đó là con đường ngắn nhất để đi vào thị trường thế giới"./.
Từ khóa: doanhnghiệp,dịchcovid-19,tácđộngcủadịchcovid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN