Vì sao tỷ lệ mắc ung thư ở nước ta tăng nhanh?
Cập nhật: 15/01/2021
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
Các địa phương miền Bắc khẩn trương các biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi (29/11/2024)
[VOV2] - Chỉ trong 2 năm (từ 2018 đến 2020), Việt Nam có gần 165.000 ca mắc mới ung thư. Với mức tăng này, nước ta xếp thứ 92 trên bản đồ ung thư thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2018.
Số người mắc mới và tử vong do ung thư ở nước ta đã không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Theo số liệu của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2020, chỉ trong 2 năm từ năm 2018 đến 2020, Việt Nam đã có gần 165.000 ca mắc mới ung thư, nhiều nhất là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư dạ dày. Với mức tăng này, nước ta xếp thứ 91 trên bản đồ ung thư thế giới và tăng 7 bậc so với năm 2018.
“Mức tăng này cũng tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư ở các quốc gia này giảm, trong khi ở nước ta lại tăng” - PGS.TS Trần Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, BV K trung ương cho biết.
Lý giải về sự gia tăng này, theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hương, có 2 nhóm nguyên nhân chính.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất là những yếu tố có thể thay đổi được như hành vi, lối sống, môi trường… Các yếu tố về hành vi lối sống phải kể tới như hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi); tình trạng lạm dụng rượu bia; chế độ ăn uống không hợp lý (ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm nấm mốc…), thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối… là nguyên nhân của 35% các loại ung thư; thói quen ít vận động, vấn đề ô nhiễm môi trường và không khí cũng là yếu tố gây ung thư.
Thứ 2 là nhóm những yếu tố không thay đổi được bao gồm tuổi tác, gen di truyền…Việt Nam là quốc gia đang đối mặt với già hóa dân số, tuổi thọ trung bình tăng (73,6 tuổi). Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.
Ngoài 2 nhóm yếu tố trên thì gần đây nhận thức của người dân về bệnh ung thư đã nâng lên, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán ung thư ngày càng cao cũng giúp phát hiện ra nhiều bệnh nhân hơn.
Một số loại ung thư phổ biến có xu hướng tăng nhanh gồm: ung thư gan, phổi, dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, đại trực tràng..v.v..
Theo dự báo của GLOBOCAN (tổ chức Ung thư toàn cầu), đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư sẽ tăng 59,4% và tỷ lệ tử vong sẽ tăng 70,3% so với năm 2020 nếu chúng ta không có chương trình phòng chống hiệu quả.
Hiện nay Việt Nam đã đưa nội dung phòng chống ung thư vào Chương trình quốc gia y tế-dân số và Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hương, cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chương trình này.
Về phía cộng đồng, để chủ động phòng chống ung thư, mọi người nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, ăn nhiều rau quả, không ăn thực phẩm ôi thiu, mốc, thực phẩm nhiễm hóa chất, rèn luyện thể dục thể thao, tiêm chủng đầy đủ các vaccine phòng bệnh viêm gan B, HPV và kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để sàng lọc sớm bệnh ung thư.
Từ khóa: ung thư, tử vong, PGS.TS Trần Thị Thanh Hương, khám sức khỏe định kỳ
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2