Vì sao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của ngành Tòa án thấp?
Cập nhật: 21/05/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN -Để tăng tỉ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, cốt lõi là chất lượng thẩm phán; là năng lực, trình độ và phẩm chất con người.
Bản chất kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm là mở ra một môi trường tố tụng đủ để khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng với tỉ lệ 51% giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án hiện nay chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu nghị quyết số 37 của Quốc Hội cho thấy một thực tế: Còn khiếu nại, bức xúc kéo dài; Còn việc chưa giải quyết đơn kịp thời gây bức xúc trong nhân dân.
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao - Nguyễn Hoà Bình chủ toạ phiên toà Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải |
Gần 10 năm qua ông Nguyễn Phạm Quang ở Phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được ủy quyền của con trai là Giám đốc công ty CP tư vấn xây dựng dân dụng đô thị (VACC) theo đuổi vụ kiện tranh chấp tài sản giữa VACC - nhà thầu thi công kiện công ty EICT- chủ đầu tư dự án, được tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án phúc thẩm thứ 2 gây nhiều tranh cãi vì những dấu hiệu vi phạm quy trình tố tụng, phủ nhận những chứng cứ hợp pháp và thiếu khách quan.
“Phiên tòa phúc thẩm thứ 2 đã có hiệu lực pháp luật, chúng tôi thấy rằng không minh bạch, không khách quan mà chỉ dựa vào chứng cứ một phía để kết luận. Điều đó không đúng với bản chất vụ án. Văn bản phát biểu của VKSND tỉnh Thanh Hóa thì đề ngày 20 nhưng trong thực tế phiên tòa mở thì là 1 giờ 30 ngày 21.”- ông Quang cho biết.
Phía nguyên đơn là công ty VACC đã có đơn kháng cáo bản án phúc thẩm, đề nghị tòa án Nhân dân cấp cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội ra kháng nghị để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Nguyễn Phạm Quang chỉ là một trong số hơn 19.000 vụ việc đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm 2019 mà ngành Tòa án thụ lý.
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. (Ảnh: Báo Công lý) |
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: “dù chưa biết đúng hay sai nhưng nhiều án sơ thẩm, phúc thẩm có sai sót khiến dư luận xã hội thêm bức xúc; Nếu sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì giám đốc thẩm sẽ giảm xuống; Nhiều vụ án gây bão dư luận vì các lỗi rất sơ đẳng ví dụ như vụ xử ly hôn vua cà phê Trung Nguyên. Tôi không nghĩ rằng, có những sai lầm của bản án đến mức hết sức sơ đẳng, việc sử dụng các thẩm định giá về tài sản đã hết hiệu lực để làm cơ sở phân chia tài sản cho vợ chồng người ta là không hợp lý.”
Ba năm qua, ngành tòa án nhận được từ 15.000 – 19.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng đội ngũ giúp việc cho tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn lại rất thiếu và yếu. Theo quy định của luật tố tụng, trước đây tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm nhưng hiện nay thẩm quyền này do TAND tối cao, cấp cao thực hiện.
Cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao cũng đang có nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến hiệu quả giải quyết đơn theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Đó là các đơn vị chuyên môn giúp việc độc lập, không nằm ở tòa chuyên trách; Các tòa chuyên trách rất chuyên sâu nhưng không được tận dụng, đây là nguyên nhân khiến tỉ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp.
Luật sư Trần Văn An, chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang cho rằng, hạn chế của giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn nằm ở con người và có thể cả những vấn đề tiêu cực đi kèm.
“ Xuất phát từ chính tòa án; một là về năng lực chuyên môn của đội ngũ xét xử, năng lực chuyên môn đi cùng với tinh thần trách nhiệm của đội ngũ xét xử đã chưa theo kịp với tình hình thực tế; sự không theo kịp này có ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm và thậm chí ở cả cấp trên; và một yếu tố nữa đó là đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán đôi khi chưa thấu tình đạt lý và thậm chí vẫn còn những vấn đề tiêu cực. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân hiện nay chưa thực sự tin tưởng vào tòa án.” – ông An nêu quan điểm.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Ảnh:Báo Tuổi trẻ |
Báo cáo của UB Tư pháp Quốc Hội cho thấy, có những bộ hồ sơ đề nghị giám đốc thẩm cứ lòng vòng hết cơ quan này đến cơ quan khác và cuối cùng vẫn rơi vào im lặng.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: Việc gửi đơn là quyền của người dân, đã là đơn thì phải xử lí, tòa phải trả lời; việc trả lời này sẽ góp phần tích cực giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ ở ngành tòa án mà nói rộng ra trong hoạt động tư pháp, lập pháp, hành pháp đều được quyết định bởi chất lượng nhân sự. Để tăng tỉ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, cốt lõi là chất lượng thẩm phán; là năng lực, trình độ và phẩm chất con người./.
Từ khóa: Giám đốc thẩm, tái thẩm, ngành Tòa án
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN