Vì sao Tổng thống Trump mềm mỏng với Triều Tiên, cứng rắn với Iran?
Cập nhật: 25/09/2019
Luxury cruise ship brings 4,400 international visitors to Hue in early 2025
Trương Ngọc Ánh trở lại với phim ảnh qua dự án hợp tác quốc tế
VOV.VN-Vũ khí hạt nhân là điểm nóng trong quan hệ giữa Mỹ với Iran và Triều Tiên song không phải ngẫu nhiên Washington có thái độ khác nhau với 2 quốc gia này.
Mỹ mềm mỏng với Triều Tiên, cứng rắn với Iran
Với Triều Tiên, Tổng thống Trump dường như đang dành nhiều sự ưu ái với những cuộc gặp Thượng đỉnh và những lời khen ngợi dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Nhưng với Iran, nhà lãnh đạo Mỹ lại chỉ liên tục gây sức ép với những lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề hay việc tăng cường hiện diện quân sự ở Vịnh Ba Tư. Ngày 1/7, Tổng thống Trump một lần nữa cảnh báo các nhà lãnh đạo Iran "đang đùa với lửa" giữa bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran vẫn chưa hạ nhiệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Vũ khí hạt nhân đang là tâm điểm “nóng” trong mối quan hệ giữa Washington với Bình Nhưỡng và Tehran. Tuy nhiên, trong hồ sơ Triều Tiên, Tổng thống Trump đang đứng trước cơ hội lớn về một thỏa thuận khi duy trì được mối quan hệ tốt đẹp và tích cực với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Trên thực tế, ông Trump cũng có động thái tương tự với các nhà lãnh đạo Iran song kết quả không như những gì Tổng thống Mỹ mong đợi.
"Tôi nghĩ ông Trump cũng sẽ thể hiện thiện chí với Iran như với Triều Tiên nếu đối phương là một người sẵn sàng hợp tác", Mark Dubowitz - một chuyên gia tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định.
Ngoài ra, Israel - vốn luôn coi Iran là một "kẻ thù không đội trời chung" luôn tăng cường hối thúc Tổng thống Trump có cách tiếp cận cứng rắn với Tehran do lo ngại nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của Israel.
Khi mới trở thành Tổng thống, ông Trump vẫn tiếp tục "kế thừa" các biện pháp cứng rắn với Triều Tiên. Căng thẳng hai bên leo thang với những lời đe dọa lẫn nhau từng khiến cả thế giới "hốt hoảng" lo ngại chiến tranh sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, sau đó, mọi thứ đã thay đổi, hai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử đã diễn ra và trong cuộc gặp thứ ba ngày 30/6, Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên đất Triều Tiên.
Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đã không thực hiện các động thái "phi hạt nhân hóa" như Tổng thống Trump yêu cầu song Bình Nhưỡng cũng đã có các bước đi tích cực trước thiện chí từ phía Mỹ như dừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Tổng thống Trump đã đăng tải trên Twitter ngày 1/7 rằng "đội ngũ của chúng tôi sẽ gặp nhau để làm việc về một số giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Không cần vội vàng song tôi đảm bảo rằng chúng tôi cuối cùng sẽ đạt được điều này".
Trái ngược với Triều Tiên, không có bất kỳ sự mềm mỏng nào của Mỹ dành cho Iran.
Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018 - một thỏa thuận cho phép dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế lên Iran và đổi lại, Tehran sẽ phải hạn chế các chương trình hạt nhân. Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận này quá "mong manh" bởi các điều khoản không kéo dài vĩnh viễn và không bao quát được các vấn đề phi hạt nhân khác như chương trình tên lửa đạn đạo và ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ lên Iran không giống như mối quan hệ Trump-Kim với những lời "có cánh" dành cho nhau mà lúc nào cũng như "ngọn lửa", sẵn sàng chực chờ để bùng nổ thành một cuộc chiến.
Căng thẳng Mỹ - Iran thậm chí đã leo thang đến đỉnh điểm khi Tehran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái trị giá 100 triệu USD của Mỹ ở khu vực Vịnh Ba Tư. Tổng thống Trump ban đầu định triển khai một cuộc không kích nhằm đáp trả Iran nhưng sau đó đã hủy quyết định này vào phút chót.
Ngày 1/7, Iran tuyên bố nước này hiện có một kho hơn 300kg uranium được làm giàu thấp. Thứ trưởng Ngoại giao Iran đã cảnh báo rằng Nhà Trắng thật "ngây thơ" khi cho rằng Iran sẽ suy yếu trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông cũng khẳng định Iran sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán khi bị "kề dao vào cổ".
Kho hạt nhân Triều Tiên, Iran chia rẽ chính quyền Mỹ
Trong khi đó, theo tờ New York Times, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ chấp nhận giải pháp "đóng băng hạt nhân" như một bước đi đầu tiên trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Dù vậy, hướng đi mới này vẫn đang gây chia rẽ trong Nhà Trắng khi một số quan chức cho rằng Triều Tiên vẫn là một quốc gia hạt nhân và vẫn sở hữu các loại tên lửa tầm ngắn và tầm xa, có thể đe dọa đến Mỹ và các đồng minh của Washington như Nhật Bản và Hàn Quốc. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton - người luôn có lập trường cứng rắn với cả Triều Tiên và Iran cũng tuyên bố rằng chính quyền Mỹ sẽ không cân nhắc đến những cách tiếp cận mềm mỏng.
Tuy nhiên, Richard Haas, chủ tịch Hội đồng Quan hệ quốc tế ở New York nhận định rằng, sự thật là ông Bolton ở Mông Cổ trong khi Tổng thống Trump gặp ông Kim ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ) đã cho thấy "sự chia rẽ đáng kể" trong chính quyền Mỹ.
Các thành viên đảng Dân chủ chỉ trích Tổng thống Trump trong cách tiếp cận của ông với cả Triều Tiên và Iran.
"Sau 3 cuộc gặp Thượng đỉnh, chúng ta vẫn không thấy bất kỳ cam kết cụ thể nào từ phía Triều Tiên. Không có bất kỳ một tên lửa hay vũ khí hạt nhân nào bị phá hủy, không có bất kỳ thanh sát viên nào trên thực địa", Phó Tổng thống Joe Biden - người đang chạy đua cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 nhận định.
Đối với Iran, ông Biden cho rằng việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và gia tăng các sức ép lên Tehran sẽ khiến nước Cộng hòa Hồi giáo này hành động trở nên quyết liệt hơn.
"Chính sách Iran của Tổng thống Trump đang cô lập chúng ta khỏi các đồng minh và khiến chúng ta đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tại Trung Đông", ông Biden cho biết.
Vì sao Mỹ có thái độ khác nhau với Triều Tiên và Iran?
Michael McFaul, Đại sứ Mỹ tại Nga thời Tổng thống Obama đã cho biết mặc dù Tổng thống Trump luôn nói rằng ông để ngỏ cánh cửa đối thoại với Iran nhưng hầu như có rất ít khả năng để điều này xảy ra. Tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác minh được không phải mục tiêu cuối cùng của Mỹ với Triều Tiên và Iran.
Với Iran, có thể Mỹ muốn kiềm chế ảnh hưởng của Tehran tại khu vực còn với Triều Tiên, mục tiêu cuối cùng có thể không phải là phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà là cho phép ông Kim Jong Un duy trì một phần kho vũ khí nhưng phải dỡ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ.
"Mục tiêu này có thể giúp lý giải cho những hành động của Tổng thống Trump với Triều Tiên", ông Mc Faul nhận định.
Cách tiếp cận khác nhau của Tổng thống Trump với Triều Tiên và Iran xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Mỹ và Iran thiếu lòng tin cũng như luôn lo ngại đối phương sẽ “lật lọng” nếu mình nhượng bộ. Căng thẳng giữa Washington và Tehran lại càng tăng nhiệt khi những quốc gia bên ngoài như Israel hay Saudi vốn coi Iran là ‘cái gai trong mắt”, luôn tìm cách để Mỹ trừng phạt hoặc tấn công Iran. Tehran cũng từ chối lời kêu gọi đàm phán không cần “điều kiện tiên quyết” từ Tổng thống Trump bởi Iran không muốn đàm phán khi bị ‘dao kề cổ” hay nói cách khác nước này muốn đàm phán trong một vị thế bình đẳng với Mỹ chứ không phải đàm phán trong thế yếu hơn.
Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên lại khác. Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un luôn nỗ lực giữ mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với những bức thư và những lời “có cánh” dành cho nhau. Hơn nữa, không giống như thỏa thuận hạt nhân Iran với những quan điểm bất đồng và chia rẽ từ nhiều phía, phi hạt nhân hóa Triều Tiên là mục tiêu được các bên đều ủng hộ. Triều Tiên cũng sẵn sàng thể hiện thiện chí đàm phán với Mỹ và đưa ra một vài nhượng bộ nhất định dù những nhượng bộ này có thể không đáp ứng yêu cầu của Mỹ.
Nói cách khác, điểm khác nhau lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ với Iran và Triều Tiên là nếu như Washington với Bình Nhưỡng vẫn duy trì được sự đối thoại thì Mỹ và Iran lại không có đủ thiện chí và niềm tin để ngồi lại với nhau. Điều này khiến căng thẳng Mỹ - Iran vẫn tiếp tục leo thang và ngày càng “nóng” khi hai bên không có một kênh liên lạc để đối thoại và tìm kiếm tiếng nói chung.
Tuy nhiên, dù Tổng thống Trump mềm mỏng với Triều Tiên hay cứng rắn với Iran thì trong cách tiếp cận của ông vẫn có một điểm chung, đó là sẽ không để căng thẳng đi quá xa và tránh xung đột quân sự bởi suy cho cùng, khi chiến tranh nổ ra, bất cứ bên nào cũng sẽ tổn thất, thậm chí cả kẻ chiến thắng./.
Từ khóa: mềm mỏng với Triều Tiên, cứng rắn với Iran, căng thẳng Mỹ Iran, quan hệ Mỹ Triều, Tổng thống Trump,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN