Vì sao tàu du lịch bị đắm ở Quảng Ninh do bão số 3 chưa được trục vớt?

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Chủ tàu dù chấp nhận bỏ ra cả trăm triệu đồng nhưng cũng chưa thể trục vớt phương tiện bị chìm đắm do bão số 3 tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, bởi hiện không có nhiều đơn vị đủ năng lực thực hiện công việc này.

 

Chủ tàu dù chấp nhận bỏ ra cả trăm triệu đồng nhưng cũng chưa thể trục vớt phương tiện bị chìm đắm do bão số 3 tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, bởi hiện không có nhiều đơn vị đủ năng lực thực hiện công việc này. 

Sau bão số 3, chị Nguyễn Hồng Ngọc ngày nào cũng có mặt ở Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu để chờ đến lượt con tàu của mình được trục vớt. Dù đã liên hệ nhiều đơn vị, nhưng mới chỉ có 1 đơn vị ở Hải Phòng nhận trục vớt phương tiện. Sau bão, số lượng tàu du lịch bị chìm đắm khá nhiều nên quá trình trục vớt mất nhiều thời gian hơn. Chị Nguyễn Hồng Ngọc chia sẻ: " Tổng vớt một tàu lên là 85 triệu, 12 triệu vào đà, chi phí tổng dự kiến là 97 triệu, nhưng chưa tính tiền bạt. Những tàu dài thì tiền bạt hơn chục triệu, còn bình thường ra chi phí trục vớt dự kiến tầm 97 triệu. Hiện có 22 con tàu ở đây nhưng mới chỉ có một đơn vị trục vớt. Bây giờ cứ chờ thôi, chủ yếu là còn phục thuộc mực nước và các điều kiện khác nữa" .

Dù đã có 40 năm kinh nghiệm trục vớt các phương tiện thủy bị đắm, nhưng ông Ngô Văn Dũng (tỉnh Nghệ An) cho biết đây là lần đầu tiên gặp tình trạng các tàu bị đắm chìm sát nhau, lại là tàu gỗ nên bị bục đáy nhiều chỗ. Để trục vớt một  tàu du lịch, đơn vị của ông Ngô Văn Dũng còn kết hợp với một đơn vị của thành phố Hải Phòng có thiết bị hiện đại để nâng được tàu ra khỏi mặt nước: "Tàu là tàu gỗ nên khi đánh đập vào nhau gây phá vỡ đáy làm nước nhiều. Người dân phải may bạt to để phủ hết thân tàu. Khi vá đáy tàu lại, phải lặn xuống dùng vải chuyên dụng, gỗ... để đóng vá vào lỗ thủng ấy. Khi tàu chìm ngay sát cạnh nhau nên việc đưa quả phao vào rất khó khăn, buộc phải kết hợp với cẩu để 2 bên cùng làm nên khó khăn hơn nhiều. Nếu thuận lợi không có sự cố gì xảy ra thì chúng làm ngày làm cả đêm nữa thì được 2 con tàu".

Càng ngâm lâu dưới nước biển, tàu càng thiệt hại nặng và chi phí sửa chữa càng lớn. Chị Nguyễn Thị Luyến (chủ một tàu du lịch đang chờ trục vớt) cho biết nhiều chủ tàu đã tính tới việc thanh lý tàu với giá rẻ: "Những tàu như thế này họ chỉ trả có 60 - 70 triệu thôi, mà một con tàu như thế này với bao nhiêu tài sản ở trong. Tại vì có quá nhiều tàu chìm, có những tàu người ta cảm thấy sửa chữa được thì cũng gần 1 tỷ. Nếu vay mượn có nguồn lực để làm ăn của cả một gia đình thì người ta cố gắng để sửa chữa, nhưng có những như cái tôi nó quá là hỏng nát thì tôi không có đủ khả năng, cũng không vay được vốn nữa, nên buộc phải bán đi".

Nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho các chủ tàu bị chìm do bão số 3, kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra đã thống nhất hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh với mức hỗ trợ từ 15 đến 50 triệu đồng/phương tiện. Tuy nhiên, tàu du lịch lại không nằm trong danh mục được hưởng khoản hỗ trợ này. Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó chi hội trưởng, Chi hội tàu du lịch Hạ Long nêu ý kiến: "Theo như các chính sách thì tàu du lịch không được hỗ trợ. Theo kiến nghị của Chi hội tàu du lịch, thì tất cả đây cũng là hộ kinh doanh có nộp thuế cho Nhà nước, thì có thể bổ sung chính sách hỗ trợ vào cho người ta được hỗ trợ đỡ thiệt thòi. Đây cũng là những con tàu làm ra tài sản để nộp thuế cho nhà nước, trong lúc bối rối và khó khăn như thế này thì đấy là tinh thần để cho người dân phấn đấu, khắc phục, tiếp tục sản xuất kinh doanh". 

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch, dịch vụ tại Quảng Ninh với phầ lớn các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú... bị hư hại; hàng chục con tàu chuyên chở khách tham quan vịnh Hạ Long bị đắm chìm trong khi việc trục vớt gặp nhiều khó khăn, kinh phí sửa chữa lớn. 

Hiện tỉnh Quảng Ninh đã có những kiến nghị với trung ương liên quan đến các chính sách về ngân hàng, bao gồm khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với các doanh nghiệp thiệt hại... Địa phương cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tham mưu, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ một phần kinh phí trục vớt tàu thuyền phục vụ du lịch nhằm giúp các doanh nghiệp, người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ sau bão số 3.

Từ khóa: quảng ninh, tàu du lịch, bị đắm, quảng ninh, bão số 3, trục vớt

Thể loại: Xã hội

Tác giả: vũ miền/vov-đông bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan