Vì sao số vụ phá sản doanh nghiệp ở Nhật Bản tăng mạnh?
Cập nhật: 11/06/2024
VOV.VN - Số vụ phá sản doanh nghiệp hàng tháng ở Nhật Bản đang tăng mạnh, trong tháng 5 vừa qua lần đầu tiên lên tới hơn 1.000 vụ sau 11 năm.
Theo khảo sát của Tokyo Shoko Research, số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản trong tháng 5 đã tăng 42,9% so với một năm trước đó, lên tới con số 1.009 vụ phá sản. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 11 năm số vụ phá sản hàng tháng vượt quá mốc 1.000, do nhiều công ty mắc nợ phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Với việc các công ty phải đối mặt với giá cả tăng cao, tình trạng thiếu lao động và nhu cầu trả nợ trong đại dịch, số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản hàng năm có nguy cơ vượt quá 10.000, lần đầu tiên kể từ năm 2013 (với 10.855 vụ phá sản).
Cuộc khảo sát của Tokyo Shoko Research cũng cho thấy, trong tháng 5/2024, các vụ phá sản do giá cả tăng cao là 87 vụ, đây là con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Đồng Yen suy yếu đã đẩy chi phí nguyên liệu thô và năng lượng lên cao, khiến các công ty nhỏ rơi vào tình cảnh khó khăn.
Số vụ phá sản liên quan đến tình trạng thiếu hụt lao động do tăng lương và các lý do khác cũng tăng mạnh. Tokyo Shoko Research cho biết, đồng Yen yếu, lạm phát và thiếu lao động xảy ra vào thời điểm các khoản hỗ trợ liên quan đến Covid-19 sắp kết thúc, đang đè nặng lên các doanh nghiệp ở Nhật Bản.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chứng kiến các vụ phá sản gia tăng vào tháng 5/2024, trong đó ngành dịch vụ ghi nhận số vụ phá sản lớn nhất với 327 vụ, tiếp theo là ngành xây dựng với 193 vụ. Khoảng 3/4 tổng số vụ phá sản là các vụ quy mô nhỏ với khoản nợ dưới 100 triệu yen (tương đương khoảng 637.000 USD).
Theo Tokyo Shoko Research, số lượng các vụ phá sản có thể sẽ tiếp tục tăng, đồng thời dự đoán một số công ty sẽ phá sản do gặp khó khăn về nguồn vốn mặc dù đã báo lãi do hoạt động kinh doanh chậm phục hồi.
Trong bối cảnh số vụ phá sản không ngừng gia tăng ở Nhật Bản, nhiều doanh nhân Nhật Bản vẫn lọt vào danh sách "câu lạc bộ" tỷ đô của tạp chí danh tiếng Forbes.
Theo thống kê của Forbes, tài sản của 16 "ông trùm" trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới người Nhật Bản đều cao hơn một năm trước đó.
Đặc biệt, tỷ phú Tadashi Yanai - ông chủ của hãng thời trang lừng danh Uniqlo - vẫn là người giữ vị trí dẫn đầu với tài sản ròng 38 tỷ USD, tăng 2,6 tỷ USD. Song, doanh nhân kiếm được nhiều tiền nhất tính theo đồng USD là ông Masayoshi Son của Tập đoàn SoftBank, người đã giành lại vị trí số 2 sau khi thêm 6,1 tỷ USD để nâng khối tài sản của mình lên 27 tỷ USD.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản đang phục hồi mạnh, gia đình Sekiya đã lọt vào top 5 nhờ cổ phiếu của Disco - nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip - tăng gần gấp 3 lần, và hiện nắm giữ khối tài sản ròng ước tính 7,4 tỷ USD.
Tỷ phú Takemitsu Takizaki - người sáng lập nhà sản xuất cảm biến Keyence - xếp vị trí thứ 3, với khối tài sản 21 tỷ USD. Ông Nobutada Saji - thành viên của gia tộc điều hành Suntory - đứng vị trí thứ 4, với tài sản ước tính 9,3 tỷ USD.
Từ đầu năm 2024 tới nay, có 5 người mới gia nhập câu lạc bộ tỷ đô của Forbes, trong đó có Yozo Shimano - Chủ tịch của nhà sản xuất linh kiện xe đạp nổi tiếng Shimano. Bốn gương mặt mới còn lại là ông Hisao Nagata - người sáng lập kiêm chủ tịch chuỗi siêu thị giảm giá Trial Holdings và là người tiên phong sử dụng AI trong bán lẻ; ông Yasuhide Uno - nhà điều hành dịch vụ thanh toán trực tuyến U-Next Holdings; ông Takaya Awata - người sáng lập và điều hành chuỗi ẩm thực mì udon lớn nhất Nhật Bản Toidoll Holdings; ông Shunsaku Sagami - người trẻ nhất trong danh sách (33 tuổi), chuyên viên giao dịch cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có Viện Nghiên cứu M&A sử dụng AI để kết nối người mua và người bán.
Từ khóa: phá sản, doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp Nhật Bản, phá sản ở Nhật Bản, phá sản doanh nghiệp ở Nhật Bản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: trần ngọc/vov.vn (lược dịch)
Nguồn tin: VOVVN