Vì sao Pakistan khó thể hoà giải xung đột giữa Iran và Saudi Arabia?

Cập nhật: 19/10/2019

VOV.VN -Lo ngại nguy cơ xung đột Saudi Arabia - Iran leo thang, Thủ tướng Pakistan đang nỗ lực làm dịu quan hệ căng thẳng giữa 'hai kỳ phùng địch thủ' này.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã cuộc đàm phán với Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào ngày 13/10 tại Tehran. Theo dự kiến, ông Khan sẽ gặp Lãnh tụ Tối cao Iran Aytollah Ali Khamenei và các quan chức cấp cao Iran khác. Đây là chuyến công du lần thứ 2 của ông Khan đến Iran trong năm nay.

vi sao pakistan kho the hoa giai iran va a rap xe ut? hinh 1

Theo chính phủ Pakistan, mục đích của chuyến thăm Iran lần này của ông Khan là nhằm “tăng cường hoà bình và an ninh trong khu vực.”

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Pakistan, ông Rouhani nói: “Tôi đã nói với Thủ tướng Imran Khan rằng chúng tôi hoan nghênh bất kỳ động thái nào vì hoà bình trong khu vực của Pakistan và đánh giá cao chuyến viếng thăm của ông đến đất nước chúng tôi.”

Ông Rouhani cho biết, bên cạnh những chủ đề khác, hai bên còn thảo luận về cuộc chiến tranh Yemen và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

“Những vấn đề khu vực cần phải được giải quyết thông qua các kênh và đối thoại khu vực. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng bất cứ hành động thiện chí nào cũng sẽ được đáp lại bằng một thiện chí khác và những lời lẽ tốt đẹp”, Tổng thống Iran nói.

Mối lo ngại riêng của Pakistan

Sau chuyến thăm Iran, ông Khan dự kiến sẽ đến thăm Saudi Arabia, đồng minh chính của Pakistan ở Trung Đông.

Ông Khan cho hay, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhờ ông đứng ra làm trung gian hòa giải với Iran. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng đã phủ nhận điều này.

Mặc dù vậy, trên thực tế Islamabad đang đẩy mạnh những nỗ lực làm dịu quan hệ căng thẳng giữa các nước láng giềng trong Vùng Vịnh vì lo ngại rằng nguy cơ một cuộc chiến tranh với Iran do Mỹ hậu thuẫn có thể lan rộng sang Pakistan và sẽ gây ra xung đột giữa các bộ tộc người Sunni chiếm đa số và bộ tộc người Shiite thiểu số tại Pakistan , dẫn tới phá hoại nền kinh tế Pakistan vốn đã điêu đứng do một cuộc khủng hoảng dầu mỏ tiềm tàng.

Đảng Tehreek-e-Insaf (Phong trào Tư pháp) Pakistan đã trích dẫn lời ông Khan: “Pakistan rất coi trọng mối quan hệ song phương với Iran. Pakistan sẵn sàng đóng vai trò của mình trong nỗ lực củng cố hoà bình và ổn định trong khu vực.”

Các hoạt động quân sự

Mối quan hệ giữa Iran và Pakistan căng thẳng trong một thời gian dài do hai bên mất niềm tin lẫn nhau. Nhìn chung, Pakistan đã cố gắng duy trì mối quan hệ khăng khít với cả Saudi Arabia và Iran, hai nước đối đầu trong khu khu vực, song trên thực tế đã bị xa cách với Tehran trong một vài năm qua. Islamabad và Tehran buộc tội lẫn nhau về việc hậu thuẫn cho các nhóm ly khai đang hoạt động mạnh ở các tỉnh Baluchistan ở Pakistan và Iran nhằm tìm cách ly khai độc lập khỏi hai nước này.

Vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Iran Rouhani yêu cầu Pakistan có hành động kiên quyết đối với những nhóm khủng bố chống Iran sau cuộc tấn công khủng bố tháng 2 đã khiến 27 thành viên của Nhóm Vệ binh Cách mạng tại tỉnh Sistan-Baluchistan thiệt mạng. Iran buộc tội một thủ phạm đánh bom tự sát Pakistan đứng đằng sau vụ tấn công do nhóm Jaish al-Adl đứng ra nhận trách nhiệm và nhóm này theo Tehran hoạt động chủ yếu ngoài lãnh thổ Pakistan.

Iran, nơi người Shiite chiếm đa số, hồ nghi về sự hỗ trợ của Islamabad đối với các nhóm quân sự Sunni đã tham gia tiến hành các cuộc tấn công trong các khu vực miền Đông Iran và tiến hành tàn sát người Shiite đang sinh sống trên đất Pakistan.

Xung đột sắc tộc tại Pakistan dai dẳng cho đến nay khi các nhóm Hồi giáo quân sự tiến hành khủng bố nhằm vào các nhóm Shiite thiểu số ở nhiều vùng lãnh thổ Pakistan. Hầu hết các nhóm quân sự này, trong đó có Taliban, được tiếp sinh khí từ tư tưởng Hồi giáo Wahabi cực đoan.

Liên minh chặt chẽ với Riyadh'

Iran cũng tức giận bởi vai trò của Pakistan trong liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đang hoạt động chống những người nổi loạn Houthi thuộc bộ tộc Shiite ở Yemen.

“Điều có thể thấy rõ là mối quan hệ Pakistan - Iran vốn đã không mặn nồng. Vì vậy, nếu chính phủ Pakistan coi trọng Saudi Arabia hơn trong cuộc xung đột Yemen thì mối quan hệ này có thể trở nên gay gắt hơn”, chuyên gia đối ngoại tại Islamabad Tariq Peerzada nói.

Việc Islamabad quá nhiệt tình lấy lòng Riyadh có thể làm trầm trọng hơn mối quan hệ với Tehran. Theo các nhà phân tích về an ninh, việc Pakistan ủng hộ Saudi Arabia đã làm tăng sự rạn nứt giữa người Sunni và Shiite tại nước Nam Á này. Các nhà phân tích này còn cho biết, các nhóm quân sự Sunni bị kích động bởi một thực tế là cựu thủ lĩnh quân đội Pakistan Raheel Sharif hiện nay đứng đầu liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu.

Tehran lo ngại về mối quan hệ hợp tác giữa Islamabad với Riyadh. Đồng thời, Iran nhận thức về những vấn đề nổi cộm và những hạn chế trong mối quan hệ với Pakistan và muốn duy trì mối quan hệ “bình thường” với nước láng giềng này.

“Pakistan vẫn liên minh chặt chẽ với Saudi Arabia cho dù khoảng cách với Iran có thể lớn hơn. Mối quan hệ quân sự gắn bó nhiều thập kỷ này không có dấu hiệu sắp tan rã”, chuyên gia về Nam Á Michael Kugelman thuộc Trung tâm Học giả Woodrow Wilson tại Washington nhận định.

Thời gian sẽ trả lời liệu nhà lãnh đạo Pakistan Khan có thể thuyết phục được các nhà chức trách Iran rằng Pakistan sẽ không xâm hại lợi ích của Tehran trong khu vực. Song theo các nhà phân tích, vì Pakistan đã tham gia liên minh an ninh Arab và chưa làm đủ để xoa dịu những lo ngại của Iran rằng Pakistan có tham gia hậu thuẫn những những nhóm chiến đấu chống Iran trên lãnh thổ Pakistan, nên những nỗ lực ngoại giao tại Tehran khó thể đem lại kết quả./.

Từ khóa: Pakistan, Ả Rập Xê Út, Mỹ, vùng Vịnh, xung đột

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập