Vì sao người xưa lại nói “không sợ ma khóc, chỉ sợ chó hú”?
Cập nhật: 29/05/2022
[VOV2] - “không sợ ma khóc, chỉ sợ chó hú”, “trí tuệ của cáo, phương hướng của sói và sức mạnh của chim ưng”, “ấp rắn trăm ngày vẫn không ấm, nuôi sói cả đời cũng không thân”... Những câu này có hàm ý gì và sử dụng thế nào? TS Đỗ Anh Vũ giải thích.
Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao người xưa lại nói “không sợ ma khóc, chỉ sợ chó hú”? Theo suy nghĩ của họ thì có vẻ như ... ma đáng sợ hơn! Tuy nhiên TS Đỗ Anh Vũ giải thích rằng thực ra ma là đối tượng không có thật trong thực tế, khi nói về việc ma khóc, ma cười... thì chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi! Không đáng sợ. Nhưng nếu có hiện tượng chó hú thì cần phải đề phòng cẩn thận. Vì theo kinh nghiệm của dân gian thì việc hú của chó thường sẽ gắn với những biến chuyển rất bất thường của thời tiết, chẳng hạn như là lũ lụt, động đất, thiên tai... hay một điềm chẳng lành như thú dữ từ trong rừng tràn xuống chỗ con người sinh sống... Sở dĩ như vậy là vì các giác quan của loài chó có độ thính nhạy, vượt trội so với tất cả các loài vật khác.
Muốn kinh doanh thắng lợi phải biết “trí tuệ của cáo, phương hướng của sói và sức mạnh của chim ưng”. Vậy cáo có trí tuệ ra sao? Phương hướng của sói có thực sự là giỏi không? Và chim ưng thì mạnh đến cỡ nào? Theo TS Đỗ Anh Vũ thì cáo được xem là loài động vật rất tinh khôn, nhiều mưu mẹo, điển hình trong tiếng Việt còn có từ "cáo già". Đây là loài cực kỳ thông minh, có khả năng tránh được nhiều cạm bẫy. Vì vậy có thể nói cáo là một loài có trí tuệ. Loài sói được đánh giá rất cao ở tinh thần đoàn kết, gắn bó bầy đàn trong việc săn mồi, thoát hiểm, và lựa chọn phương hướng để tấn công con mồi, cũng như rút lui một cách an toàn, mà vẫn giữ được năng lực, sức mạnh để rồi lại tiếp tục săn mồi. Còn chim ưng thì vẫn được ca tụng là chúa tể của bầu trời, một loài vừa có sức mạnh, quyền uy, và cả kiêu hãnh. Người ta nói rằng chim ưng cũng thể hiện sự kiêu hãnh ngay cả khi chết! Nó sẽ chọn nơi cuối cùng khi không còn sức nữa để chết mà không chịu rơi xuống bất kỳ một nơi tầm thường nào đó! Từ câu nói này người xưa cũng muốn khuyên răn người đời sau nên nỗ lực học tập những cái ưu việt trong thế giới tự nhiên, để mà xây dựng cho mình một sức mạnh tổng hợp hài hòa, nhất là trong kinh doanh.
Câu “ấp rắn trăm ngày không thấy ấm, nuôi sói cả đời cũng không thân” được người xưa sử dụng với hàm ý thế nào? TS Đỗ Anh Vũ cho rằng ý của câu này khuyên răn người ta đừng có trao niềm tin, sức lực của mình vào một chỗ không xứng đáng. Rắn vẫn được coi là loài phản trắc. Việc “ấp rắn trăm ngày không thấy ấm” chỉ là một đặc điểm sinh học của loài rắn thôi. Nuôi sói cả đời cũng không thân! Vì sói là con vật được coi là gian hiểm, độc ác, kể cả trong trường hợp người ta dành rất nhiều tình cảm, yêu quý, và cả sự chân thành, nhưng mà nó cũng không thể bỏ được cái bản tính của nó. Đây là những con vật không thể thuần phục thành vật nuôi. Vì vậy, “Ấp trứng trăm ngày không thấy ấm, nuôi sói cả đời cũng không thân!” là một lời khuyên về cách ứng xử của chúng ta với thế giới tự nhiên cũng như là với những người khác. Chúng ta phải biết trao gửi niềm tin, tình cảm vào đúng chỗ, nếu trao nhầm thì cũng giống như yêu quý con rắn, yêu quý con sói đến một ngày nó có thể nó quay lại cắn mình.
Từ khóa: không sợ ma khóc, chỉ sợ chó hú, trí tuệ của cáo, phương hướng của sói, và sức mạnh của chim ưng, ấp rắn trăm ngày không thấy ấm, nuôi sói cả đời cũng không thân, cáo mượn oai hùm, TS Đỗ Anh Vũ, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2