Vì sao người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn?
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
VOV.VN -Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn nếu chế biến đúng cách và chọn mua thịt lợn an toàn vệ sinh thực phẩm có dấu kiểm dịch của thú y.
Chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội - một trong những chợ lớn nhất ở miền Bắc kinh doanh thực phẩm tươi sống, ngoài các loại rau, củ quả và thực phẩm thì thịt lợn là sản phẩm nhiều nhất được người dân chọn mua ở chợ này.
Chị Nguyễn Ngọc Lan, chủ nhà hàng bún chả (ở phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, việc thường xuyên mua thịt lợn ở chợ này không chỉ giúp cho cửa hàng của chị đông khách mà còn bởi nguồn thịt tại chợ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng.
“Lúc đầu có những người cầm miếng thịt lên xem miếng thịt có những vết trắng không nhưng đối với bản thân nhà tôi làm nghề 20 năm rồi, làm gì cũng phải giữ chữ tín, cung cấp nguồn thực phẩm sạch nhất để phục vụ người dân chứ nếu chỉ 1 trường hợp xảy ra thì 20 năm thương hiệu không còn. Bây giờ chỉ mong thông tin chỗ nào xảy ra dịch thì ngăn chặn, chỗ nào không xảy ra dịch thì công bố để tạo điều kiện tiêu thụ thịt lợn giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi”, chị Nguyễn Ngọc Lan nói.
Diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều người tiêu dùng “quay lưng” không ăn thịt lợn |
Ước tính mỗi ngày có hàng chục tấn thực phẩm tươi sống đưa vào buôn bán tại chợ, trong đó nhiều nhất là thịt lợn. Các sản phẩm từ động vật được đưa vào chợ đều được cán bộ kiểm dịch trực tiếp tại các quầy. Nếu đầy đủ giấy và dấu kiểm dịch, các hộ tiểu thương mới được phép bán cho người tiêu dùng.
“Ở chợ này, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ kiểm soát, thường là họ hoạt động từ khoảng 2 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa. Lực lượng của chúng tôi thường xuyên có 2 cán bộ làm việc tại chợ và kiểm tra các quầy bán hàng. Trong đó, tập trung kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, điều đó là quan trọng số 1. Bởi vì xuất xứ rõ ràng đương nhiên là hạn chế tối đa việc nhập lậu, sản phẩm nhập lậu chưa qua kiểm dịch vào chợ”, bà Đặng Thị Dung, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Hoàng Mai cho biết.
Để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về dịch bệnh, hơn 1 tháng qua hệ thống loa phát thanh tại chợ đầu mối phía Nam liên tục phát các thông điệp kêu gọi người dân không quay lưng lại với tiêu dùng thịt lợn; đồng thời hiểu đúng về dịch tả lợn Châu Phi không lây truyền sang người cũng như bệnh sán lợn trước thông tin thất thiệt trên mạng xã hội thời gian qua.
“Trung tâm tăng cường tuyên truyền đến các hộ tiểu thương và người dân đi chợ bằng các biện pháp cụ thể trên loa phát thanh, trực tiếp phát tờ rơi, treo băng rôn khẩu hiệu kêu gọi toàn dân chung tay phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, dán tờ rơi tuyên truyền tại các bản tin của Trung tâm. Đồng thời, phối hợp với Trạm thú y của quận yêu cầu các hộ tiểu thương ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, tổng vệ sinh chợ sau khi các tiểu thương bán hàng”, ông Cao Thế Kiên, Trưởng phòng Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam cho hay.
Theo PGS. TS Phan Thanh Tâm, Giảng viên ngành công nghệ chế biến thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, quan sát bằng mắt thường, thịt lợn bị dịch tả Châu Phi ngoài việc xuất huyết, lợn có vết tím, xám ở vùng bụng, chân, thịt không có độ mềm dẻo, săn chắc. Tuy nhiên, cũng cần căn cứ vào dấu kiểm dịch của thú y trong chọn mua. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn nếu chế biến đúng cách và chọn mua thịt lợn an toàn vệ sinh thực phẩm có dấu kiểm dịch của thú y.
“Để tăng tính an toàn có thể tăng nhiệt độ vùng thịt kiểm tra sâu nhất lên 72 độ đến 75 độ C gần nhiệt độ sôi để đảm bảo an toàn. Trong chế biến gia đình cần lưu ý khi nấu, luộc, kho phải đảm bảo ở mức nhiệt độ này sẽ tiêu diệt được các vi sinh vật ở dạng tế bào dinh dưỡng cũng như các loại vi rút gây bệnh, các ấu trùng như: trứng sán, nang sán… đảm bảo an toàn khi sử dụng”, PGS. TS Phan Thanh Tâm khuyến cáo.
Trong thời điểm hiện nay, việc hiểu đúng và sử dụng đúng cách trong chế biến thực phẩm an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và gia đình của mình mà còn góp phần chung tay gỡ khó cho ngành chăn nuôi, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung, dịch tả lợn Châu Phi, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi./.
Từ khóa: dịch tả lợn, dịch tả lợn châu Phi, thịt lợn, thịt lợn an toàn, chọn mua thịt lợn,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN