Vì sao một số người dân phản đối việc di dời Chợ Yến ở Phú Yên?
Cập nhật: 25/09/2019
Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần
Thời tiết ngày 24/11: Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to
VOV.VN - Một số người dân và tiểu thương vẫn không đồng tình với mục đích di dời chợ cũ khi đã xuống cấp và cho rằng có lợi ích nhóm trong việc này.
Chợ Yến ở xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên được xây dựng từ nhiều thập kỷ qua nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền địa phương tiến hành xây chợ mới, phá bỏ chợ cũ, lấy đất làm công viên. Chủ trương này được đa số tiểu thương và người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một bộ phận nhỏ người dân, người buôn bán nhỏ tại đây không chịu di dời vào chợ mới. Các cấp chính quyền tỉnh Phú Yên cũng đã gặp gỡ, đối thoại, giải thích nhưng một số người vẫn muốn giữ lại chợ Yến cũ, gửi đơn khiếu nại đi các nơi, gây ra những phản ứng trái chiều. Sự việc kéo dài làm bất ổn tình hình ở địa phương này.
Cuối tháng 5 vừa qua, chợ Yến mới An Hòa tại xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chính thức đi vào hoạt động. Chợ mới chỉ cách chợ Yến cũ chừng 400 mét. Đa số tiểu thương ở chợ Yến cũ đồng thuận, bàn giao mặt bằng và di dời lên chợ mới ổn định buôn bán.
Chợ Yến mới An Hòa xây dựng khang trang trên nền đất rộng, cao, khô thoáng. |
Bà Bùi Thị Mỹ Dung, người bán hàng tạp hóa trong chợ cho biết, ở chợ cũ, chỉ cần một cơn mưa lớn là nước tràn vào, kèm theo rác bẩn rất mất vệ sinh, ảnh hưởng việc buôn bán. Bây giờ vào chợ mới cao ráo, thông thoáng, gần đường lớn buôn bán thuận tiện hơn nhiều.
“Chợ cũ có nền thấp hơn đường nên cứ mỗi khi mưa là nước chảy vào, các tiểu thương phải chuyển hàng hóa lên cao. Nay có chợ mới nhưng vẫn còn một số người không chịu di dời là họ sợ đi chợ xa”, bà Dung cho biết.
Sau khi chợ mới đi vào hoạt động, chợ Yến cũ đã được tháo dỡ. Chính quyền địa phương dùng rọ thép rào chắn bảo vệ công trình, hạn chế người vào khu vực này để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, một số người buôn bán nhỏ không chịu di dời, tiếp tục bày hàng bán tại chợ cũ.
Ông Đặng Ngọc Xuân, tiểu thương bán hàng tạp hóa trong chợ Yến cũ, sống ở thôn Nhơn Hòa, xã An Hòa, huyện Tuy An lại cho rằng, chợ mới ở xa khu dân cư.
“Đồng ý chợ mới khang trang hơn nhưng lại xa khu dân cư. Tiểu thương chỉ cần có chợ để làm ăn kinh tế, có thêm công viên đâu có lợi ích gì. Nguyện vọng cá nhân là muốn giữ lại chợ cũ để bà con ở đây buôn bán, không di dời lên chợ mới”, ông Xuân bày tỏ.
Vừa qua, 7 công dân ở 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn, xã An Hòa, huyện Tuy An ký đơn gửi lên các cấp chính quyền tỉnh Phú Yên và Ban tiếp công dân Trung ương, bày tỏ thái độ không đồng tình với việc di dời chợ Yến cũ. Lãnh đạo chính quyền địa phương từ tỉnh xuống xã đã nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại và khẳng định, chủ trương xây dựng chợ Yến mới là cần thiết, đúng đắn và đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân qua các buổi tiếp xúc cử tri; đồng thời phù hợp với qui hoạch về phát triển mạng lưới thương mại của tỉnh Phú Yên.
Ông Huỳnh Lữ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên khẳng định, chợ Yến cũ xây dựng từ năm 1994 hiện kết cấu chịu lực khu nhà chợ đã hết hạn, không đảm bảo an toàn cho việc tụ tập đông người, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị sớm di dời chợ Yến cũ đến địa điểm mới. Còn lý do không xây chợ mới tại vị trí cũ là vì diện tích chợ Yến cũ chỉ có 1.922 mét vuông, không đủ diện tích tối thiểu của chợ là 3.000 mét vuông theo qui định.
Theo ông Huỳnh Lữ Tân, Chợ Yến cũ không đáp ứng yêu cầu về qui hoạch, lại nằm trong khu dân cư và sát trường học, ảnh hưởng đến môi trường học đường, vệ sinh môi trường khu dân cư. Việc xây dựng chợ mới là hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
“Hiện nay, kết cấu các công trình thiết yếu chợ Yến cũ không đảm bảo an toàn, nên không cho sử dụng. Quỹ đất tại chợ cũ sẽ được đầu tư làm công viên mới, tạo ra lợi ích kép. Khi đó, người dân vừa có chợ mới khang trang, bán kính phục vụ rộng hơn, phục vụ nhiều người hơn, vừa có công viên trong khu dân cư. Việc làm này vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, cộng đồng dân cư ở địa phương”, ông Tân nói.
Chính quyền các cấp và cơ quan chức năng đã nhiều lần giải thích sự cần thiết phải xây dựng chợ Yến mới, thế nhưng một số người vẫn gửi đơn kiến nghị giữ lại chợ Yến cũ. Trong đơn gửi các nơi có ghi là đại diện cho 772 bà con nhân dân 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn xã An Hòa.
Giải thích về việc này, ôngBùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An khẳng định, qua công tác xác minh, gặp gỡ dân, nhiều người xác nhận không hề ký vào đơn mà do người khác tự ý ghi tên và ký vào đơn kiến nghị tập thể.
Cụ thể khi trao đổi với PV, bà Lê Thị Tám và bà Lê Thị Hương ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa rất bức xúc khi biết có người tự ghi tên của 2 bà rồi giả chữ ký ký vào đơn tập thể mà họ không hề hay biết.
“Tôi mới học đến đầu lớp 2, nay đã 75 tuổi, chữ nghĩa không còn nhớ sao viết được đơn. Như đơn nói thì phải là người học đến lớp 13, 14, 15 rồi, còn hạng như tôi không thể viết được đơn từ như thế, tôi không biết gì”, bà Tám giãi bày. Còn bà Hương thì khẳng định: “Có người họ nói tôi kí vào đơn để xin lại chợ cũ nhưng tôi không kĩ. Tôi không kí nhưng họ tự kí khống là có đơn của tôi”.
Trước đây, một số người dân trú tại 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn, xã An Hòa kéo đến khu vực cổng trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên để tụ tập, gây rối. Công an thành phố Tuy Hòa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 9 đối tượng vi phạm.
Một số người buôn bán nhỏ vẫn cố ở lại chợ Yến cũ buôn bán, không chịu dời vào chợ mới. |
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, lãnh đạo tỉnh, huyện mong muốn người dân đồng thuận với chủ trương xây dựng chợ Yến mới. Theo nguyện vọng của một số bà con, chính quyền địa phương cũng đã xây thêm 19 kiốt ở chợ mới, đảm bảo cho các tiểu thương kinh doanh thuận lợi trong ngôi chợ mới. Ngoài ra, các tiểu thương vào chợ mới còn được miễn đóng thuế 1 năm đầu.
Theo ông Bùi Văn Thành, việc một số người dân đề nghị giữ lại chợ cũ là không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. “Hiện lý do họ đưa ra để giữ lại chợ của là để mỗi thôn có 1 cái chợ nhưng chính quyền đã giải thích chợ vẫn thuộc thôn Nhơn Hội nhưng họ không nghe”, ông Thành cho biết.
Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định, việc xây dựng chợ Yến mới xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân trong nhiều năm trước đây được bà con nêu lên qua các buổi tiếp xúc cử tri. UBND xã An Hòa đã gửi phiếu lấy ý kiến người dân và đa số cử tri đồng tình xây dựng chợ Yến mới, đồng thời làm công viên tại vị trí chợ Yến cũ. Vì vậy, việc người dân tập trung trước trụ sở các cơ quan chức năng là không đúng.
Cũng theo ông Việt, vừa qua xuất hiện đơn kiến nghị tập thể 200 người gửi đến các cơ quan chức năng. Nhưng khi cán bộ đi xác minh, gặp gỡ thì nhiều người có tên trong đơn này không hề hay biết gì. Trong số 50 người được hỏi thì chỉ có 3 người thừa nhận mình đã ký vào đơn. Trong khi đó, chợ cũ đã xuống cấp, nếu xảy ra sự cố, tai nạn rất khó quy trách nhiệm. Quỹ đất của chợ cũ dành để xây dựng công viên phục vụ bà con trong thôn, trong xã chứ không có chuyện phân lô, bán nền chợ cũ như ai đó đồn đoán.
Ông Việt cũng đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu rõ; đồng thời mong muốn người dân đồng thuận chủ trương này.
“Thực tế chợ cũ nằm sâu trong hẻm không đảm bảo an toàn giao thông. Chợ cũ đã được Sở Xây dựng kiểm định, nếu cứ tiếp tục hoạt động sẽ sập. Trách nhiệm bảo vệ tính mạng, quyền lợi của dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, nếu để chợ hoạt động, sập xuống chết người ai chịu trách nhiệm”, ông Việt phân tích và khẳng định, không có lợi ích nhóm nào trong việc di dời chợ mà đây là câu chuyện được dựng lên để vu khống chính quyền. “Quan điểm của tỉnh là cầu thị tối đa, tuyên truyền vận động thuyết phục để bà con chứng minh được bất đồng lý do gì, sau đó mình giải thích lại cho họ hiểu”, ông Việt nêu rõ./.
Chợ dân sinh hàng chục tỷ đồng ở Hà Nội bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm
Từ khóa: chợ yến, chợ xuống cấp, di dời chợ, tiểu thương, khiếu kiện đông người
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN