Vì sao một số người chưa từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng miễn dịch?

Cập nhật: 31/07/2020

VOV.VN - Liệu sự xuất hiện của tế bào T có phải câu trả lời cho hiện tượng một số người chưa từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng miễn dịch nhất định với bệnh này?

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, hệ miễn dịch của một số người chưa từng mắc Covid-19 có thể có những điểm tương đồng với hệ miễn dịch của những người từng mắc bệnh và điều này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nếu người đó mắc Covid-19.

vi sao mot so nguoi chua tung mac covid-19 van co kha nang mien dich? hinh 1
Ảnh minh họa: Reuters

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 29/7 phát hiện ra rằng, trong số 68 người trưởng thành khỏe mạnh ở Đức chưa mắc Covid-19, 35% có các tế bào T trong máu, vốn có thể phản ứng lại với virus SARS-CoV-2.

Các tế bào T là một phần trong hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự viêm nhiễm từ bên ngoài. Phản ứng của tế bào T cho thấy hệ miễn dịch có lẽ từng đối phó với một loại bệnh tương tự trước đó và sử dụng "trí nhớ" này để đối phó với một dịch bệnh mới.

Vậy thì làm thế nào để hệ miễn dịch có các tế bào T có thể phản ứng lại dịch bệnh nếu một người chưa từng mắc Covid-19? Theo các viện nghiên cứu ở Đức và Anh, những người này "có lẽ từng mắc các dịch bệnh liên quan đến virus corona" trước đó. Việc sử dụng "trí nhớ" của tế bào T từ một loại loại bệnh tương tự với một dịch bệnh mới được gọi là "phản ứng chéo".

Giải mã vai trò của tế bào T

Nghiên cứu mới này đã phân tích mẫu máu từ 18 bệnh nhân mắc Covid-19 trong độ tuổi từ 21 - 81 và những người tham gia khỏe mạnh trong độ tuổi từ 20 - 64 ở Đức. Nghiên cứu cho thấy phản ứng của tế bào T với virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở 83% bệnh nhân mắc Covid-19.

Mặc dù các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra các tế bào T phản ứng chéo có trong những người hiến máu khỏe mạnh song họ viết trong báo cáo nghiên cứu rằng tác động của các tế bào này đến diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa rõ.

Amesh Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học Johns Hopkins cho rằng, phát hiện trên cần được làm rõ qua việc tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa.

"Dường như trong nghiên cứu này có một tỷ lệ đáng kể các bệnh nhân có tế bào T từ một bệnh khác liên quan đến virus corona, điều mà có lẽ có tác động nhất định đến việc họ phản ứng với virus SARS-CoV-2 như thế nào. Tôi nghĩ câu hỏi lớn nhất không phải là việc vì sao họ có các tế bào T mà là vai trò của các tế bào T này là gì", Adalja nhận định.

"Chẳng hạn, chúng ta đều biết rằng trẻ em và thanh niên chịu tương đối ít những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 và tôi nghĩ đến một giả thuyết rằng, có lẽ các tế bào T từng tồn tại đã hoạt động với số lượng nhiều hơn và tích cực hơn ở nhóm trẻ tuổi so với nhóm lớn tuổi".

Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi: "Rõ ràng sự hiện diện của tế bào T không giúp mọi người không mắc bệnh nhưng liệu nó có thay đổi tính chất nghiêm trọng của bệnh hay không? Đây dường như là một trường hợp cần phải xem xét".

Cho đến nay, trong suốt đại dịch Covid-19, nhiều nghiên cứu chủ yếu tập trung vào tìm hiểu về kháng thể Covid-19 và vai trò của chúng trong việc xây dựng hệ miễn dịch nhằm chống lại dịch bệnh này. Tuy nhiên, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt ở Nashville thì cho rằng vai trò của các tế bào T không thể bị bỏ qua.

Những giả thuyết về khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2

Chuyên gia Adalja cũng cho biết thêm rằng ông không ngạc nhiên khi chứng kiến phản ứng chéo của tế bào T trong những người tham gia nghiên cứu chưa từng mắc Covid-19.

"SARS-CoV-2 là loại virus corona thứ 7 ở con người từng được phát hiện và 4 trong số những loại virus corona tồn tại trên con người là những loại virus corona mà chúng ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, 4 loại virus này cũng là nguyên nhân của 25% các ca bệnh cảm lạnh thông thường. Gần như mọi người trên thế giới đều từng nhiễm virus corona và bởi vì chúng cùng họ với nhau nên có thể một số người đã phát triển hệ miễn dịch phản ứng chéo".

Nghiên cứu mới trên Nature không phải là bài báo duy nhất cho thấy mức độ miễn dịch từng tồn tại ở một số người với virus SARS-CoV-2.

Alessandro Sette và Shane Crotty, cả hai đều ở Đại học California, San Diego viết trong một bài bình luận đăng tải trên Nature trước đó vào tháng này rằng: "Phản ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 đã tồn tại ở một mức độ nào đó trong dân số nói chung. Đây chỉ là giả thuyết và hiện nay vẫn chưa chứng minh được rằng liệu điều này có phải do sự miễn dịch với virus corona cảm lạnh thông thường hay không"./.

Từ khóa: khả năng miễn dịch, tế bào T, dịch Covid 19, virus SARS CoV 2, miễn dịch cộng đồng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập