Vì sao một bộ phận thanh niên ngại vào Đảng?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Thanh niên chưa nhận thức đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của đảng viên nên động cơ của họ không rõ ràng, không phấn đấu vào Đảng.

Từ năm 2011-2017, toàn Đảng kết nạp hơn 1,4 triệu đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp hơn 209.000 đảng viên. Những năm gần đây, số lượng đảng viên mới kết mới tăng nhanh, trình độ học vấn của đảng viên mới kết nạp ngày càng cao. Cùng với việc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng thì việc phát triển đảng viên mới đã góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân.

Tuy nhiên, với con số gần 5 triệu đảng viên như hiện nay, Đảng ta đã thực sự mạnh hay chưa, đã phản ánh đúng thực trạng, chất lượng đảng viên hay chưa? Làm thế nào để bổ sung vào hàng ngũ của Đảng những con người xứng đáng chèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ thắng lợi.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

vi sao mot bo phan thanh nien ngai vao dang? hinh 1
PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. (ảnh: Tuyengiao.vn)

PV: Từ năm 2011-2017, toàn Đảng kết nạp hơn 1,4 triệu đảng viên, nhưng trong giai đoạn này cũng có gần 51.000 đảng viên bị sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ. Con số này nói lên điều gì, thưa ông?

PGS.TS Vũ Văn Phúc: Việc kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng và đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng là việc làm bình thường, thường xuyên của một Đảng chân chính. Những con số trên cho thấy, số quần chúng ưu tú được kết nạp trong 6 năm qua vẫn lớn hơn 23 lần so với số đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên hay khai trừ.

Song, con số gần 51.000 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừtrên tổng số gần 5 triệu đảng viên là con số quá lớn đối với một Đảng. Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền mà con số bị xóa tên và kỷ luật nhiều như vậy là điều đáng buồn.

PV: Số lượng kết nạp đảng viên mới tăng nhanh, nhưng thực tế ở nhiều nơi, công tác phát triển đảng vẫn là một thách thức lớn, có chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Lo ngại hơn là một bộ phận thanh niên ngại vào Đảng. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề trên do đâu?

Ông Vũ Văn Phúc: Có điều kiện đi một số địa phương trong cả nước, tôi thấy kết nạp đảng viên mới hiện nay là vấn đề khó khăn ở một số nơi, kể cả những địa phương là cái nôi của cách mạng Việt Nam, kể cả thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Có mấy nguyên nhân quan trọng sau đây: Tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở nhận thức về vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng cũng còn chưa thực sự chú trọng. Nhiều tổ chức, cơ sở Đảng, nhiều chi bộ không quan tâm đến việc kết nạp đảng viên, nên có những chi bộ mấy năm không kết nạp được đảng viên mới nào.

Thực tế những năm qua, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhất là tổ chức đảng cơ sở có những biểu hiện chưa tốt nên việc bồi dưỡng quần chúng kết nạp Đảng cũng chưa tốt.

Về đảng viên, bên cạnh đại bộ phận đảng viên tốt, còn một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là đảng viên cấp cao không có sự nêu gương, nhiều đồng chí bị xử lý kỷ luật, xóa tên ra khỏi Đảng, thậm chí có đồng chí bị truy tố hình sự, vào tù. Nhiều thanh niên nhìn vào đó mà không phấn đấu vào Đảng. Họ băn khoăn vào Đảng mà như những đồng chí ấy thì vào Đảng làm gì.

Nguyên nhân tiếp theo là bản thân quần chúng, đặc biệt là thanh niên nhận thức về Đảng cũng chưa đúng, trong đó có công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng. Thanh niên nhận thức không đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng, về vai trò của người cán bộ đảng viên, động cơ của họ không rõ ràng nên họ không phấn đấu vào Đảng.

Như có ý kiến nói rằng, vào Đảng để được ưu tiên trong tuyển dụng, học hành thì đó là động cơ không đúng. Vào Đảng để phục vụ sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, của đất nước, khi đất nước phát triển thì quyền lợi của từng đảng viên cũng phát triển theo, chứ không phải vào Đảng để được ưu tiên trong tuyển dụng, đi học nước ngoài.

Thanh niên phải nhận thức được vai trò lãnh đạo, về sứ mệnh của Đảng chứ không phải vào Đảng để lợi ích của mình được ưu ái.

PV: Có ý kiến cho rằng, công tác sinh hoạt chi bộ ở một số nơi hiện nay có vấn đề, chúng ta kiểm tra, giám sát đảng viên chưa được tốt. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Vũ Văn Phúc: Hiện nay, việc chi bộ hay tổ chức cơ sở Đảng giao nhiệm vụ cho đảng viên hay quản lý đảng viên là có yếu kém. Cho nên có hiện tượng người được bình bầu là đảng viên đủ tư cách, thậm chí có người là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng sau đó không lâu họ bị kỷ luật, thậm chí có người bị truy tố. Điều đó cho thấy, việc quản lý đảng viên của chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng không chặt.

Một số vụ án vừa qua cho thấy, chi bộ là nơi quản lý đảng viên nhưng không phát hiện được vi phạm mà do các tổ chức khác, trong đó có cơ quan báo chí truyền thông phát hiện ra. Vấn đề năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, trước hết là chi bộ hiện nay còn nhiều hạn chế. Việc sinh hoạt Đảng nhiều khi còn hình thức, vừa sinh hoạt chuyên môn xong, các đồng chí đảng viên ở lại sinh hoạt chi bộ thêm mấy chục phút, như vậy rất hình thức mà không có chất lượng.

Có người hỏi bây giờ đảng viên mới vào Đảng thì có quyền lợi gì thêm không? Theo tôi, nếu vào Đảng mà đòi hỏi quyền lợi riêng cho mình thì đó không phải là Đảng lãnh đạo, không phải là Đảng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Quần chúng đã tự nguyện viết đơn xin vào Đảng thì phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, đất nước lên trên lợi ích cá nhân. Nếu chúng ta vào Đảng cùng với tập thể, tổ chức cơ sở Đảng lãnh đạo đất nước, đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi thì trong đó có lợi ích cá nhân mình.

Ngay từ đầu vào Đảng mà đã đòi hỏi một quyền lợi riêng thì dân nhìn vào sẽ không phục, không tin, như thế sẽ sa vào chủ nghĩa cá nhân, đặc quyền đặc lợi.

PV: Trong phiên họp của Ban Bí thư vào cuối năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, lâu nay công tác cán bộ đã được nói và bàn nhiều nhưng công tác đảng viên ít được bàn đến, mặc dù đây là công tác rất quan trọng. Theo ông, công tác đảng viên cần được tập trung ở nội dung nào?

Ông Vũ Văn Phúc: Công tác về tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên cũng đã được Đảng ta bàn như Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, song việc thực hiện Nghị quyết chưa thật tốt.

Công tác đảng viên có nhiều khâu, từ bồi dưỡng quần chúng đến kết nạp vào Đảng, đến việc giáo dục, sàng lọc, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Trong đó khâu đầu vào là bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú và đầu ra là sàng lọc đảng viên là rất quan trọng.

Vừa qua Ban Bí thư ban hành chỉ thị về sàng lọc đảng viên, tức là một số đảng viên sau một thời gian ý chí phấn đấu, rèn luyện không còn được như trước đây, thậm chí sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm chi phối thì cần phải sàng lọc, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Đội ngũ của Đảng dù ít nhưng phải là những đảng viên trung kiên, thực sự có năng lực, có phẩm chất đạo đức thì sẽ làm cho uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng cao hơn.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Từ khóa: công tác đảng viên, kết nạp Đảng, xây dựng Đảng, công tác cán bộ, sàng lọc đảng viên

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập