Vì sao ma túy thế hệ mới tăng đột biến?
Cập nhật: 25/09/2019
Luật Nhà giáo khắc phục các bất cập trong ngành giáo dục hiện nay (22/11/2024)
Tinh gọn bộ máy và sự cấp thiết với sự phát triển của đất nước (25/11/2024)
VOV.VN - Năm 2019 nhiều vụ buôn bán ma túy lớn bị triệt phá. Hệ lụy mà nó gây ra là nỗi lo lớn cho xã hội đặc biệt đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ.
“Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu” là chủ đề của Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay. Chưa khi nào lượng ma túy mà các cơ quan chức năng bắt lại nhiều như năm nay. Hệ lụy do ma túy gây ra là nỗi lo canh cánh trong xã hội. Điều đặc biệt nguy hiểm là ma túy thế hệ mới đang có xu hướng ngày càng lan rộng trong giới trẻ.
Cách nào để phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy? Mức độ nguy hiểm của ma túy thế hệ mới như thế nào?. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam trao đổi với Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ đội Biên phòng về vấn đề này.
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ đội Biên phòng. |
PV: Thưa Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của lực lượng Bộ đội biên phòng, ông đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới của nước ta hiện nay?
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Từ năm 2018 đến nay, tình hình ma túy nhiều diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn mới. Tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới đều phức tạp, tập trung tuyến biên giới Việt nam – Lào, Việt Nam – Campuchia.
Tính phức tạp thể hiện ở số vụ và số ma túy tăng cao và tăng nhanh. Trước đây, mỗi vụ chúng ta bắt được vài chục kg, bây giờ có vụ đến hàng tạ, thậm chí hàng tấn loại ma túy tổng hợp, dạng đá hoặc viên hồng phiến. Hơn 5 tháng đầu năm nay, lực lượng bộ đội biên phòng đã bắt trên 8 tạ ma túy các loại, tập trung nhiều là ma túy tổng hợp. Lượng ma túy này bằng trên 70% lượng ma túy mà bộ đội biên phòng bắt năm 2018.
PV: Đúng là chưa khi nào lượng ma túy tổng hợp bị phát hiện, bắt giữ lại nhiều như gần đây với khối lượng hàng trăm kg, cá biệt có vụ số lượng tính bằng tấn, ông lý giải điều này như thế nào?
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng:Nguyên nhân đầu tiên là vì sản xuất, vận chuyển ma túy là siêu lợi nhuận, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Ở bên Lào, 1 kg ma túy tổng hợp là 3,5 ngàn đô, về VN giá đã thành 12-14 nghìn đô la. Siêu lợi nhuận là động cơ thúc đẩy hoạt động tội phạm ma túy. Thế nên, tiếp tay cho tội phạm ma túy chuyên nghiệp còn có cả công chức nhà nước, ( đã có giáo viên, công an xã, hội đồng nhân dân xã tham gia vào đường dây ma túy)
Thứ hai, ma túy tổng hợp có nguyên liệu sản xuất chính là tiền chất và hóa chất không phải là từ cây thuốc phiện như heroin. Đây là hóa chất hoàn toàn. Mỗi năm, lượng tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp được đưa về vùng tam giác vàng lên tới 33 nghìn tấn.
Lượng ma túy tổng hợp ở vùng tam giác vàng rất lớn là áp lực đối với công tác đấu tranh phòng chống ma túy ở Việt Nam. Hiện Việt Nam là nơi tiêu thụ và vận chuyển ma túy sang nước khác.
Vụ bắt giữ ma túy kỷ lục tại TP HCM với tổng số ma túy các loại thu được hơn 1,16 tấn. |
PV: Liệu rằng Việt Nam có phải là địa bàn trung chuyển ma túy không thưa ông? Tại sao ?
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy đã được tăng cường, song tội phạm ma túy đang lợi dụng nước ta là địa bàn trung chuyển vì có nhiều yếu tố thuận lợi.
Thuận lợi trước hết là ở địa hình. Nước ta nằm rất gần vùng trung tâm sản xuất ma túy, vùng tam giác vàng ở Đông nam á. Địa điểm này chỉ cách nước ta khoảng 400km. Đây là trung tâm chủ yếu tập trung sản xuất ma túy tổng hợp, dạng đá, dạng viên, những hóa chất, thể chất được vận chuyển từ Ấn độ, trung quốc, giá thành rẻ, sản xuất nhanh, dễ vận chuyển, thị trường tiêu thụ phù hợp
Nước ta có đường biên giới rộng, dài, địa hình hiểm trở, thuận lợi cho hoạt động tội phạm ma túy, khó khăn cho ta trong phát hiện bắt giữ
Bên cạnh đó, nước ta còn có cảng biển thông thương rất lớn, rất thuận lợi. Lợi dụng những điều kiện đó, tội phạm ma túy đã lựa chọn Việt nam là nơi tiêu thụ, đặc biệt là nơi vận chuyển ma túy sang các nước khác. Hiện nay, lượng ma túy tiêu thụ ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% còn 80% tiêu thụ sang nước khác như Đài Loan (Trung Quốc) hoặc sang nước khác qua cảng biển như Philipin, Châu Úc.
PV: Thưa ông, ở quốc gia nào cũng thế và ở thời điểm nào cũng vậy, việc phòng chống tội phạm ma túy rất khó khăn, khốc liệt. Ngay khi chúng ta vừa bước vào Tháng hành động phòng chống ma túy thì cũng đã có sự hy sinh của chiến sỹ bộ đội biên phòng. Theo ông khó khăn cốt lõi hiện nay trong công tác phòng chống tội phạm này là gì?
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Áp lực về tội phạm ma túy qua đường biên giới rất lớn trong khi khả năng ngăn chặn của lực lượng chuyên trách của Lào, Campuchia rất mỏng. Đây là khó khăn trong phát hiện, kiểm soát lượng ma túy từ ngoài vào.
Trong khi tội phạm ma túy là loại tội phạm quốc tế, sử dụng phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng phối hợp với các đối tượng vận chuyển ma túy từ tam giác vàng, sang Lào, thuê người chuyển đến biên giới việt nam, cắt rừng tập kết vào lãnh thổ VN hoặc thông qua con đường cửa khẩu, trà trộn vào hàng hóa, các hàng tạm nhập tái xuất, đưa vào các loa thùng…. Lợi dụng sự thông thoáng chính sách hải quan, chúng đã vận chuyển ma túy qua đường chính ngạch.
Tội phạm ma túy còn cầm đầu tổ chức các doanh nghiệp bình phong trá hình, để núp dưới hoạt động doanh nghiệp để đóng gói, đưa ma túy về vận chuyển và trung chuyển sang nước khác.
Với tính chất siêu lợi nhuận nên tội phạm ma túy cũng rất manh động, sẵn sàng dùng vũ khí để chống trả quyết liệt với lực lượng chức năng. Chúng trang bị công nghệ, thông tin phục vụ hoạt động tội phạm rất tinh vi, rất khó phát hiện, với những giao dịch khép kín, đường dây đáng tin cậy chứ ít vận chuyển nhỏ lẻ như trước đây.
Trong khi đó, lực lượng bộ đội biên phòng của ta còn mỏng, lực lượng của Lào, Campuchia cũng rất thiếu và yếu, trang bị, phương tiện của ta dù đã được đầu tư nhưng chưa hiện đại so với thực trạng địa hình biên giới rộng, hiểm trở và so với tình hình tội phạm, áp lực ma túy từ bên ngoài ở Việt nam.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về mặt bản lĩnh, các chiến sỹ bộ đội biên phòng luôn vững tâm và quyết tâm. Gần 15 năm thành lập đến bây giờ đã có 5 liệt sỹ và 7 thương binh nhưng không hề dao động. Tinh thần quyết tâm trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là không thay đổi chỉ có một điều là phải cảnh giác, xây dựng lực lượng bản lĩnh, nhưng thận trọng, nâng cao chuyên nghiệp trong trinh sát để đấu tranh chống tội phạm.
PV: Gần đây, những loại ma túy thế hệ mới cực độc tràn vào Việt Nam với những cái tên khiến giới trẻ không khỏi tò mò như cỏ Mỹ, bùa lưỡi, nước vui, bóng cười, lá thiên đường….Thưa ông, tại sao những thứ nguy hiểm này lại dễ dàng xâm nhập đến như vậy?
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Theo quy định tại nghị định 173 năm 2018 của Chính phủ, hiện có khoảng trên 600 loại ma túy, tiền chất và chất hướng thần khác nhau. Thực tế, ma túy truyền thống như heroin ít đi, ma túy tổng hợp có chiều hướng phát triển mạnh với nhiều chất hướng thần, cực độc và luôn có thêm nhiều dạng, kiểu khác nhau
Ma túy tổng hợp len lỏi vào đời sống hàng ngày của người dân, được bình phong qua các loại hàng hóa tiêu dùng khác nhau như bóng cười, tem, thậm chí cho cả vào nước giải khát, che mặt lực lượng chức năng và lợi dụng có những cái chưa nằm trong danh mục của Nghị định 173 của Chính phủ thì ta có bắt được cũng khó xử lý. Và đặc biệt bọn tội phạm ma túy cũng đánh vào tâm lý và thị hiếu của thanh niên rất thích tự khẳng định mình, thể hiện bản lĩnh hoặc thích tò mò, thử cảm giác nên lựa chọn những loại ma túy này, lúc đầu gây hưng phấn nhưng sau đó gây hoang tưởng, cực đoan và cực độc cho cơ thể.
PV: Mức độ nguy hiểm của ma túy thế hệ mới như thế nào, nhất là với giới trẻ thưa ông?
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Các loại ma túy luôn xuất hiện mới hàng ngày, hàng giờ, cực độc, cực thị hiếu, ảnh hưởng đến nòi giống, các thế hệ thanh niên sau này
Tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, nó còn gây ra các loại mất an ninh trật tự xã hội, tác động đến mọi người trong xã hội
PV: Để phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy hiệu quả hơn, theo ông về mặt văn bản quy phạm pháp luật chúng ta cần có những điều chỉnh gì?
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Trước hết chúng ta phải giảm nguồn cung. Để giảm nguồn cung thì phải giảm cầu.Hiện nay, nguồn cầu vẫn rất lớn. Ma túy tổng hợp gia tăng thì số người nghiện càng đông. Con số 200-230 nghìn người nghiện chỉ là con số thống kê trong báo cáo, còn lại khả năng là cao hơn rất nhiều.
Phải đưa tội sử dụng ma túy thành tội phạm hình sự. Bộ luật hình sự năm 1999 thì đã đưa vào sau đó lại bỏ. Theo pháp luật hiện hành, người sử dụng ma túy chỉ bị xử lý hành chính. Việc coi người sử dụng ma túy là người bệnh sẽ làm cho công tác phòng chống tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp hơn. Phải giảm cầu thì mới giảm được cung. Không thể chỉ nhìn dưới góc độ y tế và quyền con người mà phải nhìn dưới góc độ sự an toàn, an ninh xã hội, sự bảo vệ giống nòi, cần sớm nghiêm túc đưa tội sử dụng ma túy vào bộ luật hình sự làm cơ sở pháp lý trong xử lý.
Ngoài việc phải hình sự hóa để xử lý tội sử dụng ma túy, cần tập trung làm tốt công tác cai nghiện. Gia đình phải chú ý kiểm soát, tuyên truyền, vận động để hạn chế người nghiện, quan tâm đến các cơ sở cai nghiện. Hiện nay, công tác cai nghiện tại cộng đồng chưa tốt, hoạt động của các cơ sở cai nghiện tập trung chưa hiệu quả rõ ràng khiến số người nghiện càng tăng. Bên cạnh đó, cũng cần sớm nghiên cứu và cập nhật để khi những chất hướng thần mới vào Việt nam có cơ sở pháp lý trong đấu tranh, xử lý. Hiện nay có khoảng 20 nước đang hợp pháp hóa loại ma túy để sử dụng trong ngành y tế như cần sa. Đây cũng là vấn đề áp lực rất lớn.
Về mặt con người, lực lượng bộ đội biên phòng chuyên trách thực hiện đấu tranh phòng chống ma túy mới chỉ được giao nhiệm vụ điều tra ban đầu, thực hiện tố tụng có 7 ngày sau đó bàn giao. Quy định như vậy rất khó khăn trong quá trình giam giữ, điều tra phương thức, thủ đoạn. Thời gian điều tra quá ngắn, chưa biết hết các phương thức thủ đoạn đã phải bàn giao cho cơ quan tiến hành tố tụng trong khi các cơ quan tiếp nhận sau này cũng ít khi trao đổi. Đấu tranh tội phạm mà không nắm được phương thức thì rất khó khăn. Tôi cho rằng đó là những vấn đề cần phải nghiên cứu./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Từ khóa: tội phạm ma túy, buôn bán ma túy, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng, Chống ma túy và tội phạm,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN