Vì sao Iran sử dụng toàn tên lửa đạn đạo trong cuộc tập kích Israel mới nhất?

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Việc Iran lựa chọn sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất trong cuộc tập kích mới nhất vào Israel một phần là vì thực tế khoảng cách giữa 2 nước và nó cũng cho thấy những vấn đề của lực lượng không quân Iran trong hàng chục năm qua kể từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Iran đã phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo vào Israel tối 1/10. Trong khi hầu hết đều bị phòng không Israel đánh chặn, với sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ, một số đã trúng mục tiêu và gây ra thiệt hại.

Trong cuộc tấn công mới nhất, Iran đã sử dụng nhiều tên lửa đạn đạo hơn so với chỉ 120 quả loại này trong cuộc tập kích hồi tháng 4, cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel.

Dùng tên lửa đạn đạo thay cho máy bay chiến đấu

“Iran sử dụng tên lửa đạn đạo để thay thế cho máy bay chiến đấu và họ ngày càng thành thạo hơn trong việc sử dụng các hệ thống dẫn đường để tấn công các mục tiêu ở xa”, ông Nicholas Heras, Giám đốc cấp cao về chiến lược và đổi mới tại Viện New Lines, nhận định.

Iran cách Israel khoảng 1.200km và ở giữa là 2 quốc gia Jordan và Iraq. Tên lửa đạn đạo có thể bay qua quãng đường này trong vài phút và trong một cuộc tấn công lớn như hôm 1/10, nó sẽ kéo căng hệ thống phòng không tiên tiến của Israel.

“Việc Iran sử dụng tên lửa đạn đạo thông thường trên quy mô lớn trong thời kỳ gần như hòa bình là chưa từng có”, ông Sebastien Roblin, một nhà báo về quân sự-hàng không, nói với Business Insider.

Từ năm 2017, Iran đã sử dụng tên lửa đạn đạo chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria sau các cuộc tấn công khủng bố ở Iran và các mục tiêu được cho là của phiến quân ở Pakistan.

Tháng 1/2020, Iran đã nhắm mục tiêu vào một căn cứ không quân Iraq có lính Mỹ đồn trú bằng tên lửa đạn đạo sau vụ ám sát một chỉ huy cấp cao của Tehran.

“Có lẽ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sẽ biện luận rằng họ đang sử dụng tên lửa và máy bay không người lái theo cách mà Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích và phóng tên lửa hành trình Tomahawk chống lại các đối thủ trong khu vực. Tất nhiên, Mỹ, với các tên lửa tầm xa uy lực, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác lớn hơn nhiều so với Iran”, ông Roblin nói.

Vấn đề của không quân Iran

Iran là nước từng sở hữu những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất ở Trung Đông ngoài Israel, bao gồm cả F-14 Tomcat do Mỹ sản xuất. Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đầu tư nhiều hơn vào tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái, trong khi không chú trọng nhiều đến lực lượng không quân.

Không quân Iran đã trở nên lỗi thời trong những thập kỷ sau đó và đến nay họ vẫn sử dụng những máy bay như F-4 Phantom II và F-14 mà Mỹ cho nghỉ hưu cách đây nhiều thập kỷ.

Iran đã đặt mua Su-35 Flanker của Nga, đánh dấu lần đầu tiên mua máy bay chiến đấu sau hơn 30 năm, nhưng đơn hàng vẫn chưa được giao.

Sử dụng tên lửa đạn đạo thay vì máy bay chiến đấu cũng có rủi ro thấp hơn đáng kể.

“Một chiếc máy bay bị rơi hoặc bị bắn hạ là một câu chuyện đáng xấu hổ, đặc biệt là trong thời bình, nhưng một tên lửa bị đánh chặn hoặc bắn trượt lại là câu chuyện khác. Cách tiếp cận chung của Iran là để máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tiếp xúc với ít rủi ro nhất có thể”, ông Roblin nêu quan điểm.

Iran đã sử dụng nhiều hơn một loại tên lửa đạn đạo trong cuộc tập kích hôm 1/10. Theo tuyên bố của IRGC, Iran đã phóng tên lửa Emad kém chính xác hơn để thu hút tên lửa đánh chặn của Israel, có thể là nhằm mục đích áp đảo các hệ thống phòng không đối phương để các tên lửa mạnh hơn như Kheybar Shekan và Fattah có thể tiếp cận mục tiêu.

“Nếu Iran quả thực đã sử dụng loạt tên lửa đạn đạo Fattah trong cuộc tấn công, đó sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng rằng họ sẵn sàng và có khả năng sử dụng các vũ khí tiên tiến hơn để tấn công Israel”, nhà phân tích Heras của Viện New Lines nhận định.

Quân đội Israel ngày 2/10 xác nhận, một số căn cứ không quân của nước này đã trúng tên lửa của Iran và rằng Tehran đã sử dụng những tên lửa tiên tiến nhất trong kho vũ khí của họ.

Iran tuyên bố tên lửa Fattah sử dụng trong cuộc tấn công là tên lửa siêu thanh. Tuy nhiên, không quân Israel và các quan chức tình báo nước này nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Iran đã sử dụng tên lửa siêu thanh, loại tên lửa tiên tiến nhất có thể cơ động để tránh hệ thống phòng không sau khi quay trở lại bầu khí quyển.

Hai cuộc tấn công vào Israel trong năm nay và một cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq năm 2020 chắc chắn là những cuộc tấn công có mức độ rủi ro cao nhất liên quan đến tên lửa của Iran.

“Iran đang trở nên thành thạo trong việc phóng tên lửa đạn đạo chính xác vào nhiều mục tiêu khác nhau và điều này thể hiện mối đe dọa rõ ràng đối với các lực lượng Mỹ ở Trung Đông”, ông Heras cho biết.

“Thực tế là khả năng tên lửa đạn đạo của Iran đang buộc lực lượng Mỹ phải dành một lượng lớn tài sản giám sát để xác định thời điểm Tehran sẵn sàng tấn công với tên lửa đạn đạo để từ đó chuẩn bị đánh chặn các tên lửa đó”, ông Heras nói.

Từ khóa: Israel, Iran, tên lửa đạn đạo, Iran tập kích Israel, vũ khí Iran, không quân Iran

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả: hoàng phạm/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập