Vì sao hành khách bị hút ra ngoài khi máy bay bị thủng?
Cập nhật: 21/06/2020
Apple giảm giá iPhone tại Trung Quốc trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt
"Tập đoàn FPT cần ưu tiên phát triển nhân lực vi mạch, trí tuệ AI"
Vì một lý do nào đó mà máy bay xuất hiện một lỗ thủng ví dụ như bị đánh bom. Và lúc này hành khách trên máy bay dễ bị hút tụt ra ngoài.
Thomas Anthony, Giám đốc chương trình an toàn và an ninh hàng không tại Đại học Southern California cho hay: “Khi máy bay càng lên cao, áp suất không khí càng giảm. Lượng không khí bên trong được giữ kín để hành khách có thể hít thở một cách bình thường”.
Tuy nhiên vì một lí do nào đó, chẳng hạn máy bay bị đánh bom và xuất hiện lỗ thủng thì không khí bên trong sẽ bị hút ra ngoài. Nếu lỗ thủng nhỏ thì lực hút không đến mức mạnh, tuy nhiên, nếu đó là một lỗ thủng lớn thì thật sự sẽ là một thảm kịch. Bởi nó tạo thành một luồng gió hút các thứ ra bên ngoài, kể cả con người.
Khi máy bay xuất hiện một lỗ thủng, hành khách trên máy bay dễ bị hút tụt ra ngoài (Ảnh minh họa: KT) |
Geoffrey Landis, nhà vật lý của NASA cho hay, cần 100 giây để cân bằng áp suất không khí thông qua một lỗ thủng 30cm trên máy bay Boeing 747. Lỗ thủng càng lớn thì quãng thời gian cân bằng áp suất càng lâu và lực hút càng mạnh. Đây là lí do, hành khách dễ bị hút tụt ra ngoài khi máy bay bị thủng lớn, hoặc bất ngờ bị mở toang cửa.
Việc thắt dây an toàn có thể giữ các hành khách khỏi bị hút khỏi máy bay. Nhưng đã có trường hợp hành khách bị hút khỏi máy bay cùng với cả ghế ngồi.
Năm 2016, một vụ đánh bom đã xé toạc thân máy bay của hãng hàng không Daallo Airlines ở Somalia. Vụ nổ khiến một hành khách bị hút ra ngoài qua lỗ thủng của máy bay và rơi xuống đất từ độ cao hơn 3.000 mét. Đây không phải lần đầu tiên lỗ thủng khiến hành khách bị hút khỏi máy bay. Sự việc tương tự xảy ra năm 1973 khiến một hành khách ngồi gần cửa sổ bị cuốn ra ngoài. Người ngồi cạnh may mắn không hề hấn gì.
Cửa kính trong khoang lái của hãng British Airways từng bị bật tung vào năm 1990, khiến phi công bị cuốn nửa người ra ngoài. Phi công này bám được vào bảng điều khiển nên đã sống sót.
Năm 1989, chiếc Boeing 747 của United Airlines gặp trục trặc không đóng được cửa khoang hàng, 9 hành khách bị cuốn ra ngoài khi vẫn đang thắt dây an toàn./.
Một số lưu ý khi đi máy bay:
Chỗ ngồi của bạn nên ở phía sau của cánh máy bay. Một thống kê cho thấy những hành khách ngồi ở khoang đằng sau (sau cánh máy bay) có cơ hội sống sót cao hơn là khoang đằng trước (kể cả khoang hạng thương gia). Tất nhiên, hàng ghế gần lối thoát hiểm cũng là nơi an toàn nhất trên toàn bộ máy bay.
Khi có sự cố, nên giữ chặt lấy bản thân mình. Các nghiên cứu cho thấy hành khách vừa thắt dây an toàn, vừa ngồi theo tư thế ôm chặt bản thân (hai bàn chân đặt thẳng trên sàn, đầu cúi tựa vào đầu gối hoặc vào ghế đằng trước nếu có thể) sẽ có cơ hội sống sót cao nhất và ít bị thương nhất. Những người có thắt dây an toàn nhưng không ngồi đúng tư thế cũng vẫn dễ bị thương ở đầu.
Khi mặt nạ dưỡng khí rơi xuống, thì việc cần làm ngay chính là đeo nó vào, không được chần chừ. Khi áp suất không khí trong khoang giảm, thì việc thiếu oxy có thể khiến bạn hôn mê ngay sau 20 giây.
Trang phục của bạn nên là loại khó bắt lửa. Đồ đi dưới chân nên bám chặt vào chân. Tốt nhất là đi giày thể thao hoặc giày bệt thật thoải mái.
Từ khóa: máy bay bị thủng, máy bay, hàng không, đánh bom, NASA
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN