Vì sao giá vàng thế giới tăng kỷ lục?

Cập nhật: 11/04/2024

VOV.VN - Tốc độ tăng giá vàng trên thị trường toàn cầu từ đầu năm đến nay đang gây sửng sốt ngay cả với các chuyên gia. Trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, giá vàng đã đạt mức đỉnh là 2.365 USD/ounce, đánh dấu mức tăng 9% chỉ trong vòng 1 tháng qua và 14% kể từ đầu năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, đợt tăng giá vàng lần này diễn biến không theo thông lệ.

“Cả thế giới đổ xô đi mua vàng” là cách nhiều người mô tả về những gì đang diễn ra trên thị trường vàng hiện nay. Với mức đỉnh mới lập vào hôm thứ Ba 9/4 là 2.365 USD/ounce, thậm chí vẫn đang ở xu hướng tăng, giới chuyên gia cho rằng, giá vàng còn có thể vượt qua cả mức kỷ lục từng thiết lập hồi trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Bà Imaru Casanova, Giám đốc Quỹ đầu tư vàng Vaneck INTL có trụ sở tại Mỹ thừa nhận rằng, ngay cả giới chuyên gia cũng không dự đoán giá vàng tăng nhanh đến mức như vậy với những yếu tố khó kiểm soát.

“Mọi người vẫn nhắc đến rủi ro về địa chính trị là một trong những yếu tố đẩy giá vàng lên cao. Nhưng quan trọng hơn chính là kỳ vọng của giới đầu tư, khi mà họ tin tưởng giá vàng sẽ còn tăng cao hơn trong tương lai. Bởi vậy câu hỏi mà mọi người đặt ra không phải là “Liệu giá vàng có tăng tiếp không”, mà là “Bao giờ giá vàng sẽ tăng tiếp?”, bà Imaru Casanova cho biết.

Vàng được coi là “nơi trú ẩn an toàn” cho các nhà đầu tư, là tấm đệm khi thị trường toàn cầu chao đảo hoặc khi có căng thẳng chính trị hoặc xung đột, và yếu tố được nhắc đến nhiều nhất hiện nay về địa chính trị chính là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tiếp đến là kết quả khó lường từ cuộc bầu cử Mỹ vào cuối năm nay. Nhưng động lực chính của đợt tăng giá mới nhất là sức mua lớn từ các Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và người tiêu dùng tại quốc gia này. Hành động mua vào của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa là để dự phòng trước biến động của tình hình địa chính trị thế giới, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, vừa để dự phòng những bất ổn kinh tế trong nước do tác động của lĩnh vực bất động sản.

Các số liệu cho thấy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã mua ròng tháng thứ 17 liên tiếp, riêng trong tháng 3 bổ sung thêm 160.000 ounce, đưa tổng lượng dự trữ quốc gia lên 72,7 triệu ounce vàng nguyên chất. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc tìm đến vàng như một tài sản thay thế trong bối cảnh giá bất động sản và cổ phiếu giảm giá trong những năm qua, thậm chí người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen Z ở Trung Quốc cũng mua vàng hạt nhỏ 24 carat mỗi tháng để tiết kiệm lâu dài và an toàn.

Bên cạnh Trung Quốc, các ngân hàng trung ương khác như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tăng dự trữ vàng.

Một nguyên nhân khác cũng đang góp phần đẩy giá vàng thế giới lên cao là dự đoán liên quan đến việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Kết quả nghiên cứu do Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ công bố hôm đầu tuần cũng đã kết luận kỳ vọng về FED cắt giảm đợt lãi suất đầu tiên trong tháng 6 tới là thúc đẩy tâm lý lạc quan đối với giá vàng.

“Tôi chưa nhận thấy yếu tố nào có thể ngăn đà tăng của giá vàng ở thời điểm này. Một điều thực sự độc đáo về vàng, đó là mặt hàng tài chính duy nhất giá luôn tăng theo thời gian để tạo ra các đỉnh cao mới. Tôi đã theo dõi giá vàng trong 4-5 năm qua và nhận thấy giá vàng sẵn sàng bùng nổ một cách mạnh mẽ. Về mặt biểu đồ kỹ thuật, giá vàng có xu hướng bớt khỏi hộp giá đã duy trì trong 4-5 năm qua”, ông Mike Maglone, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Bloomberg Intelligence nhận định.

Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gần đây đã đưa ra quan điểm rằng, có thể duy trì mức lãi suất cao với thời gian lâu hơn dự kiến, nhưng với cách vận động tương đối khác thường, giá vàng có thể vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, chính sự tham gia của lượng lớn nhà đầu tư theo xu hướng đang đẩy giá vàng lên cao hơn, thậm chí có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce.

Từ khóa: giá vàng, giá vàng hôm nay, giá vàng sjc, giá vàng thế giới, giá vàng tăng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thúy ngọc/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập